24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Từng bị đề nghị thu hồi nhưng dự án Sài Gòn Đại Ninh sau đó được tiếp tục thực hiện khi Thanh tra Chính phủ sửa đổi Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP.

Yêu cầu thu hồi dự án Sài Gòn Đại Ninh

Những ngày cuối tháng 6-2020, tỉnh Lâm Đồng xôn xao vì Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP (KLTT 929) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó có siêu dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Sài Gòn Đại Ninh) của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh).

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Toàn cảnh khu vực dự án Sài Gòn Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án ban đầu thuộc Công ty Sài Gòn Đại Ninh do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật. Vốn điều lệ năm 2010 là 300 tỉ đồng, đến năm 2017 nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Cao Trí sau những mua bán qua lại đã làm chủ siêu dự án rộng 3.595 ha này. Từng có lúc vị đại gia Nguyễn Cao Trí đề nghị nâng tổng mức đầu tư lên hơn 30.200 tỉ đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Cao Trí cam kết tiếp tục góp vốn và hỗ trợ nguồn vốn cho Công ty trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án với số tiền 543,74 tỉ đồng theo tiến độ triển khai dự án được UBND tỉnh chấp thuận.

Trở lại KLTT 929, TTCP yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với ba dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, gồm: dự án thuê gần 80.000 m2 đất tại TP Đà Lạt để làm vườn ươm của CTCP dịch vụ Đà Lạt; dự án xây dựng khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp (King Palace) của Công ty TNHH Hoàn Cầu; dự án Sài Gòn Đại Ninh.

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Theo KLTT 929, dự án Sài Gòn Đại Ninh có rất nhiều vi phạm nên đề nghị thu hồi.

Theo KLTT 929, tại dự án Sài Gòn Đại Ninh có các vi phạm như chậm tiến độ dự án; không tuân thủ nghĩa vụ tài chính; để xảy ra mất 257 ha rừng và để lấn chiếm 111 ha đất rừng; vi phạm trật tư xây dựng khi xây hội trường 560 m2 và 15 nhà chuyên gia không có giấy phép… mà cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để.

TTCP nhận định trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng và các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kì.

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa bị bắt vì liên quan đến vụ án tại dự án Sài Gòn Đại Ninh.

Thoát "án tử" nhưng tiếp tục bỏ hoang

Sau khi có KLTT 929 của TTCP, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án. TTCP đã lập tổ công tác để thẩm tra theo kiến nghị của doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong tổ công tác này có ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng (người sau này đã bị bắt vì nhận hối lộ tại dự án này).

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Sau 13 năm triển khai, dự án Sài Gòn Đại Ninh chậm tiến độ, xuống cấp, xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Đến ngày 8-7-2021, Phó tổng TTCP thời điểm đó là ông Trần Văn Minh (đã mất) ký Thông báo kết luận số 1081/TB-TTCP sửa đổi một số nội dung KLTT 929. Trong đó, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án Sài Gòn Đại Ninh.

Đồng thời, bổ sung yêu cầu: UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, yêu cầu hoàn thành dự án đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã phê duyệt.

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Những mảng rừng bị chặt phá, đốt cháy trên diện tích dự án.

Trường hợp Công ty Sài Gòn Đại Ninh vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tại chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định. Đồng thời rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 9-10-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền. Chỉ đạo rà soát, yêu cầu công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định.

Và từ thời điểm này, siêu dự án của đại gia Nguyễn Cao Trí chính thức thoát "án tử" theo KLTT 929, được tiếp tục thực hiện. Sau đó, dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ.

Thậm chí, tháng 10-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng có văn bản đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mà không phải chờ khi có giá chuyển mục đích sử dụng đất và nộp xong tiền sử dụng đất mới triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục dự án. Việc xác định giá giao quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện đồng thời với thủ tục triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Vụ Chủ tịch Lâm Đồng bị bắt: Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đã thoát "án tử" ra sao?

Dự án được xem là trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến nay vẫn là vùng đất hoang vu nhưng đã khiến nhiều người vướng vòng pháp luật.

Thế nhưng đến nay, siêu dự án trải rộng trên 4 xã của huyện Đức Trọng, được xem là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, vẫn giậm chân tại chỗ. Sau 13 năm, dự án chỉ thực hiện được khoảng 10%, để xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, công trình xây dựng xuống cấp.

Thế nhưng, cú thoát "án tử" ngoạn mục của dự án đã đánh đổi bằng việc nhiều quan chức vướng vòng pháp luật. Trong đó có Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ Trần Bích Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp. Vụ án liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

Dự án Sài Gòn Đại Ninh đề cập tại Quốc hội

Tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội ngày 7-11-2023, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi căn cứ vào đâu, yêu cầu nào mà TTCP thành lập tổ công tác để thanh tra lại KLTT vào năm 2020 liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh. việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả của đoàn thanh tra có đúng luật không?

Trong vụ án liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh, tổ công tác của TTCP đã thay đổi KLTT, từ kết luận dự án sai pháp luật, yêu cầu thu hồi chuyển sang giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn cho nhà đầu tư. Điều này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng là "trái pháp luật hoàn toàn".

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho rằng đây là rà soát, kiểm tra, sửa đổi bổ sung kết luận thanh tra chứ thực chất không phải thanh tra lại. Quyết định thành lập tổ công tác liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh là thực hiện đúng theo Luật Tổ chức Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trước khi ban hành KLTT, TTCP đã báo cáo với Thủ tướng, thông thường Phó thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ ngành, đồng ý với dự thảo kết luận tranh tra thì TTCP mới tiến hành ban hành KLTT. "Với dự án Đại Ninh, TTCP đã báo cáo kết quả rà soát và được Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách đồng ý cho điều chỉnh thì mới tiến hành" - Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả