Vụ chiếm đoạt 430 tỉ đồng tại NCB, PVcomBank và VietABank: Ngân hàng là nạn nhân hay tội đồ?
Dưới góc độ luật dân sự việc gửi tiền vào ngân hàng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu toàn bộ rủi ro đối với nó.
Liên quan đến vụ chiếm đoạt 430 tỉ đồng tại 3 ngân hàng NCB, PVcomBank và VietABank, theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Thanh Tùng (44 tuổi, Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) cùng 23 bị can khác về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, để có tiền kinh doanh, Nguyễn Thị Hà Thành câu kết với Nguyễn Thành Tùng sử dụng hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và cá nhân.
Vào giữa năm 2018, tại ngân hàng NCB, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (46 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị can giữ.
Nguyễn Thành Tùng đã sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Jeongho Landmark lập khống hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Eurocell và Công ty TNHH Hoàng Nguyên. Sau đó, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng NCB, Thành và Tùng đã ký giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của ngân hàng NCB.
Nguyễn Thị Hà Thành cũng vay bằng hình thức yêu cầu vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng tại PVcomBank. Sau đó, Tùng lập khống hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ với Công ty TNHH Hoàng Nguyên.
Thành và Trung ký giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi, qua đó chiếm đoạt của ngân hàng này 49,4 tỷ đồng.
Tại VietABank, Nguyễn Thị Hà Thành câu kết với Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietABank); Nguyễn Thị Thu Hương (Chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng khách hàng doanh nghiệp - Phòng giao dịch Đông Đô) và sự giúp sức của Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô) đã giả mạo chữ ký của hàng loạt khách hàng gửi tiền. Với thủ đoạn này, Thành đã chiếm đoạt của VietABank hơn 270 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Đặng Nghĩa Toàn (46 tuổi, ngụ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) gửi 52 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại PVcomBank nhưng không được rút. PVcomBank đã 4 lần có văn bản cam kết trả lại tiền cho vợ chồng ông Toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 52 tỷ đồng của ông Toàn vẫn đang bị phong tỏa.
Vụ việc trên đang là tâm điểm chú ý của dư luận và được các luật sư là chuyên gia pháp chế ngân hàng phân tích.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật ANVI – vụ việc này bắt nguồn từ hệ quả đến từ vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như từ nhiều năm trước. Sau đó, hiệu ứng này lan rộng ra một số ngân hàng ở một số tỉnh thành khác.
"Các quy định đã nêu rõ, khi thủ tục gửi tiền vào ngân hàng hoàn tất thì số tiền này do ngân hàng quản lý và phải có trách nhiệm về quản lý khoản tiền này. Nếu số tiền này bị mất hoặc chiếm đoạt thì phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng một số ngân hàng lại cố tình mập mờ trong việc giải quyết các vấn đề cho khách hàng bởi nếu số tiền này có bị chiếm đoạt thì ngân hàng là bị hại chứ không phải người đứng tên sổ tiết kiệm là bị hại trong vụ án.
Theo ông Đức, số tiền mà vợ chồng ông Toàn gửi vào PVcomBank không bị mất đi nhưng bị nằm yên một chỗ vì cách xử lý của ngân hàng đang muốn chối bỏ trách nhiệm hoặc “lừng khừng” trong việc giải quyết vì mục đích nào khác.
Trong trường hợp này, khách hàng luôn là người chịu thiệt, nếu ngân hàng nào cũng làm như thế sẽ rất dễ mất uy tín với khách hàng khác, không còn ai tin nữa.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 8/1/2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN có văn bản hướng dẫn ông Đặng Nghĩa Toàn về hướng giải quyết. Theo đó, nếu không đồng ý với việc giải quyết của các ngân hàng, ông Toàn có thể gửi đơn đến TAND có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHNN cũng cho rằng việc gửi tiền của ông Toàn tại ngân hàng là giao dịch dân sự có liên quan đến vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội”, nên đề nghị ông Toàn gửi đơn đến cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết việc gửi, rút tiền tiết kiệm của ông đồng thời cùng vụ án hình sự nêu trên.
Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Giám đốc Công ty luật TAT Law firm – trong trường hợp này, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng. Từ đó tiến hành khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tiền mà đối tượng kiện là ngân hàng. Bởi mối quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi.
“Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình”, luật sư Thảo nói.
Theo luật sư Thảo, dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình. Còn dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu toàn bộ rủi ro đối với nó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận