Vụ AVG: Văn bản tài chính dự án trong nội bộ Mobifone được đóng dấu mật để bưng bít thông tin
Vụ án xét xử nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và đồng phạm vi phạm những quy định về quản lý đầu tư công đang diễn ra. Có luật sư đề nghị tòa án cho tiếp tục giải mật một số tài liệu trong vụ này. Tuy nhiên, tòa cho biết đã giải mật nhiều tài liệu và đưa vào cáo trạng, kết luận điều tra.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội (Viện KSND) bắt đầu xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone khi ra quyết định đầu tư vốn Nhà nước mua lại 95% cổ phần tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Tại vụ án này, dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone chưa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, bị định giá sai giá trị doanh nghiệp AVG, gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.500 tỉ đồng (giá mua xấp xỉ gần 8.900 tỉ đồng trừ đi giá trị tài sản ròng của AVG là 1.970 tỉ đồng- trích cáo trạng vụ án).
Tại ngày mở đầu phiên tòa xét xử (16-12), luật sư của bị can Trương Minh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT (chức vụ tại thời điểm diễn ra vụ án) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cho giải mật một số tài liệu liên quan đến vụ án hoặc xét xử kín những nội dung chưa được giải mật. Tuy nhiên, HĐXX cho hay rằng nội dung các văn bản mật, tối mật đã có trong kết luận thanh tra, kết luận điều tra và cáo trạng vụ án, được giải mật. Có cả trong các bút lục vụ án mà tất cả các luật sư đều được sao chép. Vì vậy phiên tòa xử công khai.
Cáo trạng dài 56 trang cho biết: tại thời điểm AVG và Mobifone chưa tiến hành thảo luận việc mua bán vì Mobifone mới có chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình thì Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT) đã có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư theo đề xuất của Mobifone. Ông Son gợi ý Mobifone mua AVG. Ông Trọng đề nghị AVG và Mobifone không tuyên truyền giao dịch này và đề nghị đưa vào danh mục “Mật” của Nhà nước. Do đó, ngày 5-3-2015, ông Tuấn có văn bản số 44 gửi Bộ Công an đề xuất đưa vào danh mục tài liệu mật, như tòa đã thẩm vấn ông Tuấn hôm nay.
Khi hoàn tất kết luận điều tra và công bố cáo trạng, nhiều tài liệu cần thiết liên quan đến vụ án đã được giải mật từ tháng 8-2019. Theo đó, chủ yếu là các văn bản nội bộ của Mobifone về phương án mua AVG, các lần Tổng giám đốc Mobifone trình Hội đồng thành viên (HĐTV) về dự án đề xuất mua và những lần thay đổi tổng mức đầu tư, phương án tài chính của dự án…
Cụ thể, có 4 văn bản liên quan đến hiệu quả tài chính dự án được đóng dấu mật sau đó đã giải mật.
Cáo trạng cho biết: 18-8-2015, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc (TGĐ) Mobifone ký văn bản giao nhiệm vụ cho các phó tổng giám đốc lập dự án theo nhiệm vụ, chức năng của mình. Do đó, ngày 26-8, bị can Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính ký văn bản 128 báo cáo lãnh đạo phương án mua cổ phần AVG đánh giá dự án có hiệu quả tài chính khi đầu tư 11.700 tỉ đồng để mua 90% cổ phần của AVG với 30% vốn tự có và 70% vốn vay, tỷ lệ tăng trưởng dần đều của ngành hàng dự báo-truyền hình (g) là 2,42%. Thời gian hoàn vốn là 8,6 năm. Kết quả này dựa trên các báo cáo tư vấn của Công ty cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS) và công ty thẩm định giá AMAX. Sau đó 1 tuần, bà Phương Anh lại ký tiếp văn bản 135, vẫn lấy những số liệu về TMĐT và các chỉ số tài chính nêu trên, thay đổi nhỏ về tỉ lệ cổ phần mua AVG là 90,1%, ra kết quả hoàn vốn…8,1 năm.
Văn bản đã được giải mật thứ ba: văn bản ngày 14-9 của Tổng giám đốc Cao Duy Hải ký gửi Hội đồng thành viên Báo cáo bổ sung đề nghị phê duyệt dự án đầu tư AVG với TMĐT thấp xuống chỉ còn 11.370 tỉ đồng (mua 90,1% cổ phần) và thời gian hoàn vốn là 10,4 năm. Văn bản thứ tư (28-9), Tổng giám đốc ký gửi HĐTV đề nghị Bộ TT-TT phê duyệt: điều chỉnh cả TMĐT dự án là 11.370 tỉ đồng, thay đổi tỉ lệ mua cổ phần lên 95% và lại có thời gian hoàn vốn…10,2 năm trong khi các điều kiện đầu vào dự án vẫn giữ nguyên.
Như vậy có thể nói trong vụ án này, tất cả các văn bản về hiệu quả tài chính dự án trong nội bộ Mobifone đã được đóng dấu mật để bưng bít thông tin từ đầu nguồn. Trong khi đó các văn bản khác lại không đóng dấu như vậy.
Điều đó cho thấy, có những khuất tất liên quan đến hiệu quả tài chính đầu tư dự án này, khiến cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã không được kiểm tra, giám sát, gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng nhận định.
Và đây cũng là vấn đề cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ hơn trong quá trình xét xử vụ án tại Mobifone.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận