Vụ án ông Nguyễn Thành Tài: Thu hồi khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn
HĐXX quyết định giao UBND TP.HCM thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn và các giấy tờ, hồ sơ liên quan để trả lại cho Nhà nước nên xem như thiệt hại của vụ án được khắc phục.
Tranh luận về mức độ thiệt hại
Sáng 20/9, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 đồng phạm về hành vi sai phạm trong việc chuyển khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn từ sở hữu nhà nước sang tư nhân.
Theo cáo trạng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra là 1.927 tỷ đồng. Khi luận tội tại các phiên xét xử, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cũng cho biết thêm, mức độ thiệt hại của Nhà nước có lẽ phải nhiều hơn 1.927 tỷ đồng. Lý do vì hành vi của các bị cáo kéo dài, nên mức độ thiệt hại phải tính từ lúc thực hiện hành vi đến khi được phát hiện và ngăn chặn.
“Nếu vụ án không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, khu đất được chuyển nhượng cho bên thứ 3, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài thì Nhà nước sẽ khó thu hồi và có thể phải bồi thường một khoản tiền lớn hơn rất nhiều”, đại diện VKS nói.
Tranh luận lại cáo buộc của VKS, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, việc xác định thiệt hại như trên là chưa hợp lý. Việc xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án để quy kết trách nhiệm hình sự là trái với quy định của pháp luật. Thay vào đó là phải tính thiệt hại từ thời điểm xảy ra vụ án.
Cụ thể, luật sư Trương Trọng Nghĩa, người bào chữa cho bị cáo Tài cho biết, nếu như miếng đất 8-12 Lê Duẩn trị giá 2.500 tỷ thì Nhà nước có thể thu hồi lại khi doanh nghiệp, người dân, hay kể cả doanh nghiệp Nhà nước vi phạm. Nhà nước lấy miếng đất này bán lấy 2.500 tỷ thì Nhà nước không thất thoát gì. Nếu VKS tính lên được thất thoát bao nhiêu, lãng phí bao nhiêu thì lúc đó với có tranh luận việc gây ra thất thoát này cho các bị cáo.
Luật sư của bị cáo Tài cho biết thêm, trong vụ án này, các công ty tham gia dự án đã nộp vào ngân sách hơn 612 tỷ đồng và Nhà nước sử dụng số tiền này trong suốt 8 năm. Nếu như số tiền này chỉ đem gửi tiết kiệm thì cho đến nay cũng đã tăng lên trên 1.000 tỷ đồng. Do vậy, việc tính thiệt hại của VKS là không hợp lý.
Về vấn đề này, HĐXX cho rằng, tại thời điểm giao đất thực hiện dự án, nếu lựa chọn đúng hình thức giao đất đúng theo quy định pháp luật, tức phải giao đất qua đấu giá và giao đất cho thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước sẽ thu được khoản tiền tương đương quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo kết luận của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là hơn 900 tỷ đồng.
Nhưng với quyết định giao đất trái pháp luật của bị cáo Tài, thì nhà nước chỉ thu được số tiền hơn 647 tỷ đồng. Như vậy cần xác định thiệt hại thực tế là số tiền nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo Tài là 253 tỷ đồng, mới phù hợp với khoa học pháp lý và pháp luật hình sự.
Từ đó, HĐXX chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư về xác định thiệt hại trong vụ án, là tại thời điểm hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thành Tài và đồng phạm.
Thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn
Một chi tiết cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nhà đầu tư quan tâm trong vụ án này nữa là đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue (chủ đầu tư dự án) và Công ty TNHH Đầu tư Kido (gọi tắt là Công ty Kido - cổ đông góp 50% vốn vào Công ty Lavenue) muốn được tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Bằng, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Lavenue và Công ty Kido cho rằng, Công ty Lavenue được thành lập trên cơ sở hợp pháp. Hơn nữa, trong cáo trạng và các kết luận điều tra, chưa có một văn bản nào và cũng chưa có một ai khẳng định rằng Công ty vi phạm pháp luật.
Hơn nữa, từ khi quyết định tham gia, Công ty Lavenue đã đầu tư rất nhiều tiền vào dự án này. Đồng thời, cũng thực hiện rất nhiều công đoạn như thiết kế, thi công, tư vấn… nhưng đang làm thì bị dừng lại.
“Trong cáo trạng, Viện kiểm sát cũng cho rằng Công ty Lavenue không sai. Khi công ty không sai như vậy, thì phải xử lý trách nhiệm và các khoản tiền cho công ty để công ty tiếp tục thực hiện dự án này”, ông Bằng nói.
Đại diện phía công ty này cho biết thêm, sau khi được tiếp tục thực hiện dự án, Công ty Kido sẽ huy động vốn và góp vốn tiếp, cùng với Lavenue để thực hiện dự án này.
Về vấn đề này, HĐXX nhận định rằng, bản thân bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) nhận thức rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn thuộc vị trí đắc địa của TP.HCM nên đã quyết định tham gia đầu tư. Mặc dù công ty của bị cáo Thúy mới được thành lập.
Tại tòa, bị cáo cũng thừa nhận có quen biết nhiều lãnh đạo thành phố, trong đó có bị cáo Tài. Ngoài lời khai của bị cáo không có chứng cứ nào chứng minh công ty của bị cáo có đủ năng lực tài chính để tham gia dự án. Do đó, việc Viện kiểm sát truy tố bị cáo là hoàn toàn có căn cứ.
HĐXX cũng cho rằng, bị cáo Thúy đã dùng quan hệ cá nhân tác động đến ông Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn, giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án.
Sau đó, nhóm 4 công ty của Bộ Công thương đang thuê mặt bằng tại khu đất 8-12 Lê Duẩn đã thỏa thuận với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty Kido) thành lập pháp nhân mới là Công ty Lavenue, đưa bị cáo Thúy lên làm Chủ tịch HĐQT. Tiếp đến là các công ty chuyển nhượng cổ phần, dẫn tới khu đất công 8-12 Lê Duẩn rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát cho Nhà nước.
Theo đó, HĐXX quyết định giao UBND TP.HCM thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn và các giấy tờ, hồ sơ liên quan để trả lại cho Nhà nước nên xem như thiệt hại của vụ án được khắc phục toàn bộ.
Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài mức án 8 năm tù. Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy nhận mức án 5 năm tù.
Bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM) 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2) 4 năm tù; bị cáo Trương Văn Út (50 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên - Môi trường TP.HCM) 3 năm tù.
Về trách nhiệm dân dự, HĐXX buộc các bị cáo liên đới phải nộp lại số tiền 4,7 tỷ đồng theo tỷ lệ bằng nhau.
Theo bản án của HĐXX đã tuyên thì mức phạt của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy thấp hơn so với mức đề nghị của VKS. Cụ thể, bị cáo Thúy bị VKS đề nghị mức án 7 đến 8 năm tù.
Nguyên do bởi VKS xác định rằng vai trò của bị cáo Thúy phải xếp ngang hàng hoặc tương đương với bị cáo Tài. Bởi chính bị cáo Thúy đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân xúi giục ông Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản để cho công ty của mình được tham gia đầu tư vào dự án.
Tuy nhiên, HĐXX đánh giá quan điểm trên là không phù hợp. Cần phân hóa vai trò bị cáo thấp hơn, bởi hành vi của bị cáo không trực tiếp ký các văn bản trái pháp luật. Theo đó, mức án mà bị cáo Thúy phải nhận là 5 năm tù.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận