Vụ án AVG: Đề xuất thuê tư vấn về kinh doanh truyền hình bị bỏ qua
Việc định giá tài sản AVG và hiệu quả kinh doanh dự án khi Mobifone lên phương án mua AVG là nội dung được xét hỏi tại vụ án AVG ngày 17-12.
Phiên tòa xét xử các quan chức ở Bộ TT-TT và Mobifone về vai trò của từng cá nhân trong vụ án AVG đã kết thúc ngày thứ hai. Ngoài chuyện ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT phủ nhận lời khai trước đó về việc nhận số tiền hối lộ 3 triệu đô la Mỹ, sau đó lại thừa nhận; diễn biến phiên tòa cho thấy Hội đồng xét xử đang quan tâm nhiều đến vai trò của từng cá nhân lãnh đạo ở Mobifone trong vụ việc.
Cụ thể là làm rõ nội dung các cuộc họp và trách nhiệm của từng người khi tham gia đánh giá dự án này.
Ông Nguyễn Bắc Son phủ nhận vai trò chủ mưu mà các cấp dưới đã khai tại tòa. Ông cho rằng giải quyết vụ việc theo đề xuất của Mobifone trình lên.
Còn về phía Mobifone, cáo trạng cho biết, tháng 3-2015, sau khi Bộ TT-TT đồng ý về chủ trương Mobifone và AVG ký biên bản ghi nhớ, để thực hiện dự án, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone Lê Nam Trà và Tổng giám đốc (TGĐ) Cao Duy Hải đã ký quyết định thành lập các tổ giúp việc giao cho các Phó tổng giám đốc quản lý theo đúng chức năng. Sau khi có kết quả thẩm định của công ty thẩm định giá AMAX và báo cáo tư vấn của Công ty cổ phần Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), Mobifone đã sử dụng kết quả thẩm định của AMAX để đàm phán với tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 11.700 tỉ đồng (90,1% số cổ phần AVG). Sau 5 lần đàm phán, ngày 5-10-2015, dự án được phê duyệt với TMĐT xấp xỉ 8.900 tỉ đồng (95% cổ phần).
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng giám đốc Mobifone phụ trách kinh doanh nói rằng, trong báo cáo định giá của công ty AMAX có phần thẩm định sử dụng phương án kinh doanh do AVG lập. Khi được yêu cầu đánh giá báo cáo của AMAX về phần kinh doanh, ông Hùng và các cộng sự có sử dụng một phần tài liệu của tư vấn cộng với kết quả khảo sát và nhận ra rằng những giả định lạc quan về doanh thu của AVG và AMAX xây dựng sẽ “đẩy” giá trị của AVG lên rất nhiều. Ông đã đưa điều này vào văn bản gửi Tổng giám đốc. Sau đó, ban này lập phương án kinh doanh trong trường hợp mua AVG về (31-8-2015) nhưng do không có đủ thời gian để khảo sát thị trường vì yêu cầu đặt ra quá gấp nên đã kiến nghị phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập chuyên về kinh doanh dịch vụ truyền hình để xây dựng kế hoạch sản xuất-kinh doanh giống như Mobifone đã từng làm khi hợp tác với Comvick trước đây khi kinh doanh mảng viễn thông. Nhưng những ý kiến này bị bỏ qua.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc Mobifone cũng khai, dù được giao chỉ đạo lập dự án nhưng mọi thứ đều rất bị động. Ví dụ trước cuộc họp nửa tiếng, ông mới được thông báo trong khi họp với lãnh đạo Bộ TT-TT và AVG. Khi họp, ông Nguyên đã có kiến nghị thực hiện theo hai bước để giãn tiến độ và kiên quyết phản đối khi thanh toán 5% cuối cùng cho AVG nhưng cũng không được đồng ý. “Bị cáo đã kiến nghị làm đúng để không xảy ra sai phạm nhưng họ không đồng ý”, ông Nguyên nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận