Vụ án 8-12 Lê Duẩn: Viện Kiểm sát cho rằng đã nhân văn với KIDO
"Số tiền chúng tôi đề nghị trả KIDO hơn 200 tỷ, đây tính là hạn chế mất mát, thiệt hại cho doanh nghiệp, là nhân văn trong giải quyết của VKS", đại diện VKS nêu trong phần đối đáp.
Ngày 19/9, vụ án “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM bước sang ngày xử thứ 4 với phần đối đáp lần 2 giữa các bị cáo, luật sư, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đại diện Viện kiểm sát.
Căn cứ nào tịch thu 235 tỷ đồng?
Đại diện KIDO cho biết, sau khi đại diện VKS thông qua bản luận tội ở phiên xử trước có đặt vấn đề thiệt hại doanh nghiệp, trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm dân sự, phía KIDO đã nhận được nhiều sự quan tâm, điện thoại, email của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, Hà Nội nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung.
“Có nhiều ý kiến hỏi chúng tôi, Lavenue và các doanh nghiệp khác trong vụ án có gì bất thường không? Bản thân tôi trả lời họ, kết luận điều tra cũng như bản cáo trạng và tại tòa thể hiện rằng, Lavenue và các doanh nghiệp khác chưa có bất cứ hành vi nào sai phạm hết. Họ hỏi tiếp, vậy thì tại sao VKS đề xuất tịch thu số tiền 235 tỷ của Hoa Tháng Năm. Đây là vấn đề nan giải chúng tôi chưa giải được. Họ hỏi nữa, Lavenue thành lập hợp pháp, nếu làm như vậy thì Lavenue rơi vào trạng thái như thế nào? Cho phá sản hay tự giải thể, có sống được không? Các hợp đồng kinh tế đã ký với các đối tác là đơn vị thiết kế, thi công hiện còn ngổn ngang thì xử lý như thế nào?”, đại diện KIDO trình bày.
Đại diện KIDO cho rằng, Lavenue không gây thiệt hại cho Nhà nước. Vấn đề tịch thu tiền của Hoa Tháng Năm là tịch thu nguồn vốn của Lavenue, vì tại thời điểm thành lập 2010 thì vốn Hoa Tháng Năm đã chuyển vào vốn của Lavenue. Và vị đại diện doanh nghiệp cho rằng, thiệt hại được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Vậy thời điểm ở đây là khi nào và căn cứ nào tịch thu 235 tỷ đồng của Hoa Tháng Năm.
“VKS cho rằng đã làm chuyển dịch quyền sử dụng đất của Nhà nước sang cho tư nhân, tôi hỏi có dự án nào nếu như Nhà nước giao đất thì không dịch chuyển không, đều chuyển cả. Nếu lấy căn cứ đó đổ tội cho Lavenue và các bị cáo thì phù hợp hay không?”, đại diện KIDO tiếp tục đối đáp.
Cuối cùng, đại diện doanh nghiệp này đặt câu hỏi, nếu trong trường hợp dự án này bị thu hồi, sau này cũng sẽ thực hiện dự án, vậy có tiếp tục giao cho doanh nghiệp tư nhân hay không, có gì lấn cấn trong này hay không, doanh nghiệp đang chờ câu hỏi này.
Đã giải quyết nhân văn
Đối đáp lại phía KIDO, liên quan việc đại diện doanh nghiệp này cho rằng có sự bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện VKS cho rằng có lẽ chỉ có Kido nêu bức xúc thôi. VKS cho rằng, quan điểm của VKS đưa ra thì phần nào hạn chế bớt những thiệt hại cho KIDO.
Một số luật cho rằng phía VKS nêu quan điểm Nhà nước không cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư khách sạn, TTTM, đại diện VKS nhận định quan điểm này của luật sư không đúng. VKS chỉ nói phạm vi đối tượng được chỉ định, doanh nghiệp hoàn toàn được tự do đầu tư, nếu không phải an ninh quốc phòng, một số dự án đặc biệt Nhà nước quy định.
“Kết luận lại, Nhà nước không cấm các doanh nghiệp tham gia dự án kinh doanh khách sạn, TTTM. Tuy nhiên nếu được tham gia dự án phải đầy đủ điều kiện mà pháp luật quy định, chứ không phải một người ít tiền, ít kinh nghiệm, vậy thì không thể cấp phép, phải có quy định cụ thể mà doanh nghiệp phải tuân theo”, đại diện VKS đối đáp.
Phía VKS cũng cho rằng, nếu giải quyết vụ án này tốt thì tốt cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, vì doanh nghiệp có quyền bình đẳng trước pháp luật, trước mọi dự án, mọi cơ hội kinh doanh.
“Tại sao chỉ có một doanh nghiệp, như vậy không minh bạch. Anh mua quyền góp vốn trong khi chưa được giao đất, cấp quyền sử dụng đất, có mạo hiểm không, có lỗi không khi nghiên cứu quy định pháp luật. Cái đó doanh nghiệp tự đánh giá lại và chúng tôi đã phân tích rõ”, đại diện VKS cho biết.
Liên quan tới vấn đề tịch thu tiền, VKS cho rằng đề nghị của VKS đã có tính nhân văn.
Đại diện VKS lập luận, tất cả vốn của Lavenue được sử dụng vào việc phạm tội, mà người phạm tội đại diện Lavenue thực hiện hành vi là bị cáo Lê Thị Thanh Thúy. Số tiền của Công ty Hoa Tháng Năm đi liền với bị cáo chính là sở hữu của bị cáo trực tiếp sử dụng vào việc phạm tội, còn tiền của KIDO là tiền sở hữu nhưng có lỗi để cho người khác dùng vào việc phạm tội ở đây là bị cáo Thúy, dùng quyền đại diện của mình thực hiện các hành vi dẫn đến vụ án này.
Theo VKS, Công ty Quản lý kinh doanh nhà là của Nhà nước đương nhiên phải thu hồi, tiền của Công ty Hoa Tháng Năm, tiền cá nhân, tiền sở hữu trực tiếp của bị cáo sử dụng vào việc phạm tội thì tịch thu theo quy định điều 47, Bộ Luật hình sự 2015. Theo khoản 3, điều 47, Bộ Luật hình sự 2015 thì lẽ ra số tiền này phải tịch thu toàn bộ. Tuy nhiên khoản 3 cũng có quy định có thể tịch thu, chính vì quy định có thể nên VKS trong quá trình giải quyết vụ án đã cân nhắc kỹ, tính nhân văn trong đó.
“Luật quy định có thể tịch thu hoặc không, trong trường hợp này chúng tôi không tịch thu. Số tiền chúng tôi đề nghị trả KIDO hơn 200 tỷ, đây tính là hạn chế mất mát, thiệt hại cho doanh nghiệp, là nhân văn trong giải quyết của VKS. Trong quá trình xét hỏi làm rõ trong phiên tòa gần 800 tỷ đồng. Ngoài số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước thì công ty này đã tiêu hết, cho nên đây là việc kinh doanh thua lỗ, chuyện các đối tượng tham gia góp vốn phải chịu”, đại diện VKS cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận