Vụ ám sát “bộ não” hạt nhân Iran: Phép thử kép với Israel và Iran
Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran không chỉ là phép thử chính trị với Thủ tướng Israel Netanyahu mà còn là phép thử sự kiên nhẫn với Iran khi nước này vẫn đang kìm “lửa giận”.
Phép thử với Thủ tướng Israel
Sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị ám sát hôm 27/11, những câu hỏi đã nhanh chóng thay đổi từ ai là người đã tiến hành vụ ám sát sang tại sao vụ việc lại diễn ra vào thời điểm này.
Các nhà quan sát, gạt sang bên việc Israel từ chối bình luận về vụ ám sát, đã đặt ra câu hỏi rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện đang hy vọng sẽ đạt được mục tiêu gì sau vụ việc trên.
Liệu nhà lãnh đạo Israel có tìm cách khiến Iran đáp trả quân sự để từ đó hợp pháp hóa một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Iran trong những tuần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump?
Hay phải chăng phía Israel chỉ đơn giản muốn nắm bắt cơ hội từ vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh, "bộ não" của chương trình hạt nhân Iran, người từng nằm trong danh sách mục tiêu mà Israel nhắm tới với hy vọng Iran sẽ kiềm chế khả năng phản ứng, như những gì mà nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn đang làm kể từ khi cuộc tấn công xảy ra?
Trên thực tế, câu hỏi tại sao vụ tấn công nhà khoa học Iran lại diễn ra vào thời điểm này tiết lộ nhiều điều hơn việc đâu là bên đứng đằng sau vụ việc.
Ông Netanyahu luôn giữ thái độ thận trọng khi ông Biden khẳng định sẽ cho Iran "một con đường ngoại giao" và theo một số báo cáo, Thủ tướng Israel đang nỗ lực hối thúc Tổng thống Trump tiến hành một cuộc tấn công quyết định, trừng phạt chương trình hạt nhân của Iran.
"Trong khoảng 1 tháng rưỡi nữa, thông điệp của Thủ tướng Israel với Iran sẽ là: Nếu phía Iran phản ứng, tất cả địa ngục đều sẽ mở rộng ra", Yoel Guzansky, người từng đứng đầu cơ quan phụ trách về chiến lược với Iran thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Israel cho hay.
Thủ tướng Israel, người đang chứng kiến tỷ lệ ủng hộ suy giảm do đại dịch Covid-19 và các cáo buộc tham nhũng tại tòa án Jerusalem hiểu rõ việc tiến hành cuộc chiến với kẻ thù số 1 của quốc gia này có thể giúp ông nhận được sự ủng hộ cần thiết tại quê nhà.
"Nhìn chung, đúng là Thủ tướng Netanyahu giữ thái độ thận trọng khi tính đến hành động quân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này ông ấy đang đối mặt với không chỉ các mục tiêu chiến lược mà còn cả các mục tiêu chính trị. Ông ấy cần sự thể hiện đáng kể để chứng minh rằng ông ấy là nhà lãnh đạo không thể thay thế của Israel", Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Israel đánh giá.
Nhà quan sát Freilich cũng nhận định một số chuyên gia an ninh quốc gia tin rằng ông Netanyahu sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào các máy ly tâm hạt nhân của Iran trước khi ông Biden nắm quyền kiểm soát Lầu Năm Góc ngày 20/1 tới.
"Israel sẵn sàng thúc đẩy các giải pháp về vấn đề hạt nhân Iran. Vấn đề này đã tồn tại cùng Israel trong 30 năm qua và đã đến lúc chấm dứt nó", ông Freilich nhận định.
Dù vậy, chuyên gia Freilich cho rằng chiến lược này có lẽ sẽ được khuyến khích cách đây 6 tháng nhưng hiện nay một kế hoạch như vậy có nguy cơ hủy hoại quan hệ giữa Israel với tổng thống Mỹ kế nhiệm, vốn trước đó vẫn ủng hộ các lợi ích của Israel.
Tuy nhiên, những nhà quan sát khác thì cho rằng ông Netanyahu sẵn sàng liều lĩnh tiến hành cuộc tấn công nhà khoa học Iran, người mà Thủ tướng Israel coi là kẻ thù số 1 trong một hội nghị năm 2018 với hy vọng Iran sẽ phải hành động kiềm chế hơn.
Theo Washington Post, mức độ tinh vi của vụ ám sát với một đội những kẻ tấn công, một quả bom xe và một siêu vũ khí điều khiển từ vệ tinh là kiểu tấn công cần lên kế hoạch trong khoảng vài tháng.
Iran sẽ kìm lửa giận trong bao lâu?
Những người có lập trường cứng rắn ở Iran đang hối thúc các nhà lãnh đạo phản ứng mạnh mẽ về vụ tấn công giữa ban ngày xảy ra ngay trên lãnh thổ của họ. Tờ Kayhan với lập trường cứng rắn hôm 29/11 đã kêu gọi Iran tấn công Haifa, một thành phố cảng ở biên giới phía bắc của Israel và Lebanon, một cuộc tấn công có thể "gây ra thương vong nặng nề" nếu Israel thực sự là thủ phạm vụ ám sát nhà khoa học Iran.
Tuy nhiên, Iran và Lãnh tụ tối cao của nước này Ayatollah Ali Khamenei, đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề, cộng thêm cuộc khủng hoảng Covid-19 và tình trạng bất ổn trong nước gia tăng, Meir Javedanfar, một học giả về các vấn đề Iran tại IDC Herzliya cho hay.
"Ông Khamenei có thể sẽ thể hiện sự cứng rắn trước người dân Iran nhưng với cộng đồng quốc tế, ông ấy sẽ thận trọng hơn", chuyên gia này đánh giá.
Việc Iran chưa đáp trả sau vụ ám sát hôm 27/11 cho thấy Tehran vẫn đang kìm lửa giận và chờ đợi chính sách từ một chính quyền Mỹ mới.
"Nếu họ (Iran-ND) không làm điều gì đó trong một vài ngày tới, họ có lẽ sẽ không làm gì trước thời điểm ông Biden nhậm chức", nhà quan sát Freilich nhận định.
Israel đang đối mặt với một cuộc tấn công đáp trả có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Các đại sứ quán của nước này đều đặt trong tình trạng báo động. Bộ Quốc phòng Israel đang hợp tác với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do lo ngại hàng nghìn du khách Israel ở Dubai và Abu Dhabi có thể trở thành các mục tiêu trong các vụ tấn công đáp trả của Iran.
Việc nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát diễn ra không lâu sau một loạt cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao Mỹ, Israel và Saudi Arabia. Ngoài ra, 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp ông Netanyahu ở Israel, Thủ tướng Netanyahu được cho là đã bí mật lên một máy bay tư nhân tới Saudi Arabia để gặp ông Pompeo và Thái tử Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, phía Saudi Arabia đã phủ nhận sự hiện diện của ông Netanyahu.
"Thông điệp cụ thể ở đây là Israel sẽ cứng rắn với vấn đề Iran thay vì chỉ hợp tác để cùng đưa ra một sự phản ứng chung", chuyên gia Frelick đánh giá./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận