24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VTR sẽ “cất cánh”?

Cổ phiếu VTR của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam được kỳ vọng sẽ “cất cánh” trên sàn, vì Vietravel là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu duy nhất Việt Nam có hãng hàng không.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận việc đăng ký giao dịch 12,6 triệu cổ phiếu VTR của Vietravel, với mệnh giá 10.000đ/cp.

VTR sẽ “cất cánh”?

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vietravel

“Linh hồn” của Vietravel

Cơ cấu cổ đông của Vietravel gồm 2 cổ đông lớn là Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ (9,07%) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch và lữ hành Quốc tế Sài Gòn (SG Travel - 16,22%). Vietravel sở hữu 10 công ty con (trong đó có 2 công ty con chưa hoạt động) và 1 công ty liên kết. Hoạt động chính là kinh doanh dịch vụ lữ hành ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Mặc dù ông Nguyễn Quốc Kỳ- Chủ tịch HĐQT chỉ nắm tỷ lệ sở hữu gần 10% vốn của Vietravel, song ông giữ vị trí hết sức quan trọng. Ông Kỳ đã giúp Vietravel vươn lên vị trí số 1 thị trường – vượt qua những nhà lữ hành có vốn Nhà nước và vị thế lớn như SaigonTourist, Bến Thành Tourist hay thậm chí những doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán trước như Fidico (FDC), CTCP Du lịch Thương mại Tây Ninh (TTT)… Có thể nói, ông Kỳ là “linh hồn” của Vietravel.

Tuy nhiên, một chuyên gia tư vấn chiến lược cho rằng, khi Vietravel lên sàn, vai trò, quyền lực tập trung và sức ảnh hưởng chi phối của ông Kỳ có thể sẽ bị ảnh hưởng. Nếu các cổ đông đại chúng và tương lai cùng đồng lòng tiếp tục để vị thuyền trưởng Vietravel quyết mọi định hướng chiến lược theo cách thức tập trung như hiện nay, Vietravel có khả năng ngày càng mạnh về thương hiệu, chiến lược. Ngược lại, nếu các cổ đông tương lai thông qua lá phiếu biểu quyết vào HĐQT muốn có sự chi phối sâu, giảm vai trò của ông Kỳ, Vietravel có kiên trì một hướng như hiện tại hay không là điều khó nói trước.

Những bước đi táo bạo

Để có được vị thế ngày nay, Vietravel có chiến lược và tầm nhìn táo bạo. Việc Công ty phối hợp các hãng hàng không và bắt tay với các đại lý cấp 1 ở các nước để mở bao các chuyến bay thuê bao trong những năm gần đây – qua đó đáp ứng được nhu cầu du lịch quốc tế ngày càng mạnh mẽ, cho thấy điều này.

Cuối 2018, đầu 2019, Vietravel gây sốc thị trường với kế hoạch mở hãng hàng không tư nhân để phát triển dịch vụ du lịch qua bay thuê bao. Kế hoạch táo bạo này dựa trên thực tế và có phân khúc riêng, lợi thế riêng, không “đụng hàng” các phân khúc cấp cao mà VietnamAirlines, hay mô hình bay giá rẻ của Vietjet Air, Bamboo Airways đang khai thác.

Cùng với bước tiếp nhận giấy phép hãng hàng không, Vietravel còn sẵn sàng vay nợ trái phiếu 700 tỷ đồng để bước chân vào địa hạt làm chủ dịch vụ di chuyển trên vùng trời. Kế tiếp, lên sàn UPCoM sẽ tạo đà cho Vietravel huy động vốn, đầu tư cho lĩnh vực “ngốn tiền” với các tàu bay và dịch vụ logistics có suất đầu tư không nhỏ.

Theo ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch HĐQT Tư vấn Win-Win, không thể phủ nhận chiến lược, thương hiệu và mặt mạnh của Vietravel. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp này là cải thiện lợi nhuận, tăng lợi ích cổ đông và thay đổi mô hình quản trị tập trung để phát triển tương thích với giai đoạn mới.

Ở góc độ tài chính, Vietravel có quy mô khá khiêm tốn với vốn điều lệ chỉ 126 tỷ đồng. Công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm đều đặn khoảng trên 15%. Tại cuối 2018, doanh thu thuần đạt 7.233 tỷ đồng, tăng 17%, và lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2017. Trong 6 tháng năm 2019, doanh thu thuần của Vietravel ước đạt 3.979 tỷ đồng, tăng 6%, và lợi nhuận trước thuế khoảng 30 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và hoàn thành 44% kế hoạch năm.

Với hướng mở mới đầu tư hàng không, trong giai đoạn đầu, chắc chắn Vietravel sẽ phải tăng quy mô, tăng chi phí đầu tư và chịu khấu hao dài hạn cùng chi phí tài chính lớn. Tuy nhiên, lợi thế chuyển từ thuê máy bay các hãng khác để cung cấp dịch vụ bay thuê bao sang bay bằng hãng mình – tức có khách hàng ngay, được kỳ vọng giúp Vietravel rút ngắn phần nào thời gian làm thị trường và ghi nhận doanh thu ngay.

Sẽ còn sớm để nói về khả năng cất cánh đình đám của Vietravel tại UPCoM, nhưng rõ ràng với lộ trình vạch sẵn, Vietravel sẽ tiếp tục là doanh nghiệp lữ hành có vị thế mà còn rất lâu, các doanh nghiệp cùng ngành đã có mặt sớm tại sàn, có thể bắt kịp.

Triển vọng cổ phiếu ngành du lịch

Tại sàn chứng khoán niêm yết, một số doanh nghiệp ngành dịch vụ lữ hành như FDC, TTT ở sàn HNX hay một số doanh nghiệp ở UPCoM như CTCP Du lịch Trường Sơn COECCO (TSD)… đều là những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp trong ngành này đều có lợi thế riêng. Và cũng tùy thời thế mà cổ phiếu doanh nghiệp được thị trường đánh giá, ở cả phía nhà đầu tư tăng trưởng hay giá trị.

Chẳng hạn, FDC cũng là một thương hiệu du lịch khá có tiếng trên thị trường. Nhưng một phần “nguồn sống” của FDC hiện đang dựa vào địa ốc. Doanh nghiệp này đã ký kết hợp tác với Thủ Đức House vào 2016 và hiện tại Thủ Đức House nắm tới 43% cổ phần FDC.

Với TTT, doanh nghiệp này cũng có quy mô không lớn nhưng đang được thị trường đánh giá cao – phản ánh qua thị giá cổ phiếu vượt nhiều “anh tài” khác trên sàn và hiện giữ ở mức 54.000đ/cp. “Võ” của TTT là quyền kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí du lịch tại Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, ngoài ra là nguồn thu hợp nhất từ công ty con- Cáp treo Núi Bà Tây Ninh mà đơn vị này chi phối 51%.

Trong khi phần lớn doanh thu của Vietravel đến từ hoạt động lữ hành. Công ty hoạt động đậm đặc thù ngành là cung cấp dịch vụ trung gian giữa khách hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ khác, do đó biên lợi nhuận gộp từ hoạt động này rất thấp, có thể xem là "lấy công làm lãi". Với 95% doanh thu đến từ lữ hành, “võ” chính của Vietravel là dịch vụ du lịch qua bay thuê bao nguyên chuyến. Chỉ khi có hãng hàng không, mở rộng hơn dịch vụ bay thuê bao, biên lợi nhuận của Vietravel mới có thể được cải thiện. Do đó, trong vòng 18 tháng tính từ đầu tháng 1/2019 khi Vietravel nộp hồ sơ xin giấy phép thành lập hãng hàng không, cổ phiếu VTR của Vietravel hẳn sẽ vẫn ở trong vòng “xem xét” của nhà đầu tư – trừ những cổ đông tổ chức muốn có một miếng bánh để dành dài lâu trên bàn tiệc ngành vận chuyển hàng không đang rất hấp dẫn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả