VSC “cưỡi sóng” M&A
Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, Công ty Cổ phần Container Việt Nam (HoSE: VSC, Viconship ) huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu để thực hiện M&A một dự án cảng lớn ở Hải Phòng.
Nếu thương vụ trên thành công, Viconship sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế của VSC qua các năm.
Đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp
Theo tài liệu ĐHCĐ năm 2023 vừa được công bố, VSC đặt mục tiêu kinh doanh 2023 thấp hơn năm 2022. Cụ thể, VSC đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 2.250 tỷ đồng, tăng 12%, nhưng lãi trước thuế chỉ 260 tỷ đồng, giảm tới 45% so với thực hiện năm 2022. Sở dĩ VSC đặt mục tiêu thấp do IMF dự báo các nền kinh tế lớn nhất thế giới, như Trung Quốc, EU và Mỹ sẽ tăng trưởng chậm.
Bên cạnh đó, VSC chịu áp lực cạnh tranh lớn trong khai thác cảng biển, cụ thể khi Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) hoàn thành nạo vét đón tàu cỡ lớn, sẽ chia sẻ nguồn hàng với các cảng truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí cho một số hoạt động tiếp tục tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu. Ngoài ra, các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đã trở lại bình thường, dẫn tới dư thừa tàu vận chuyển và container rỗng.
Theo VSC, các hạng mục đầu tư tiết kiệm và cần thiết để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh như bãi, thiết bị xếp dỡ, xe vận tải… dự kiến hơn 2.628 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.200 tỷ đồng được dùng cho hạng mục đầu tư dự án mới, cụ thể là nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối đối với một doanh nghiệp cảng biển.
Về chỉ tiêu tài chính, VSC dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để thực hiện việc nhận chuyển nhượng nói trên, ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
260 tỷ đồng là kế hoạch lãi trước thuế năm 2023 của VSC, giảm tới 45% so với thực hiện năm 2022.
Lộ diện tham vọng lớn
VSC dự kiến trình ĐHCĐ thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên hơn 2.400 tỷ đồng. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, dự kiến thực hiện trong năm 2023.
Viconship lộ tham vọng lớn qua các thương vụ M&A
Giá chào bán theo phương án là 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền huy động tối đa hơn 1.210 tỷ đồng. Về mục đích sử dụng vốn, VSC sẽ dùng để đầu tư chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển thông qua hoạt động chuyển nhượng cổ phần, số tiền còn lại dùng để bổ sung vốn lưu động. Ngoài ra, VSC sẽ tự chủ động và huy động 1.050 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, cá nhân khác để mua đứt doanh nghiệp nói trên.
Theo Báo cáo tài chính quý 4/2022, Gemadept đã bất ngờ ghi nhận khoản đặt cọc 1.000 tỷ đồng. BSC cho biết, đối tác đặt cọc chính là VSC để mua cổ phần của Gemadept tại cảng Nam Hải Đình Vũ. Theo BSC, thương vụ này được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong quý 1/2023.
Được biết, Cảng Nam Hải Đình Vũ là cảng container lớn nhất của Gemadept với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2014. Năm 2021, Nam Hải Đình Vũ chiếm 50% tổng sản lượng xếp dỡ của tất cả các cảng Gemadept tại Hải Phòng và cũng chiếm 10% thị phần của khu vực cụm cảng Hải Phòng. Tại ngày 31/12/2022, Gemadept đang sở hữu 84,66% vốn điều lệ Cảng Nam Hải Đình Vũ, tương đương hơn 338 tỷ đồng.
Theo BSC, nếu thương vụ nói trên thành công, VSC sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong năm 2023 với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEUS, tăng 36% so với cùng kỳ và chiếm 30% thị phần khu vực này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận