VPBank: Chi phí huy động vốn quý III/2020 về mức thấp nhất trong 15 quý
Chi phí vốn của VPBank liên tục giảm, từ mức 6,6% cuối 2019, xuống 6,3% vào cuối quý I và 6,1% vào quý II và xuống còn 5,8% vào quý III.
Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành nhằm thúc đẩy hạ mặt bằng trên thị trường. Hành động này dẫn đến làn sóng hạ lãi suất tiết kiệm liên tục từ các nhà băng. Tính từ đầu năm, tổng mức giảm lãi suất đầu vào đã lên tới 1,2 – 2,4 điểm %/năm, đưa lãi suất về mức rất thấp. Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản dồi dào khiến lãi suất đang đi ngang ở vùng thấp nhất lịch sử quanh 0,17%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,22%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Diễn biến giảm của lãi suất đã tạo điều kiện để các ngân hàng có được nguồn vốn với chi phí thấp để sử dụng. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp VPBank đưa chi phí huy động vốn quý III/2020 về mức thấp nhất trong 15 quý, thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ 2019.
Chi phí vốn của ngân hàng này liên tục giảm, từ mức 6,6% cuối 2019, xuống 6,3% vào cuối quý I và 6,1% vào quý II và xuống còn 5,8% vào quý III.
Nguồn: Tài liệu dành cho NĐT của VPBank
Việc giảm chi phí vốn của VPBank không chỉ đến từ lãi suất. Theo Giám đốc Tài chính VPBank, bà Lê Hoàng Khánh An, ngân hàng đã tái cấu trúc lại danh mục huy động vốn để tối ưu hóa chi phí huy động của ngân hàng. Yếu tố này cũng đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng 2020 của ngân hàng hợp nhất là 30,5% và 67,2% ở ngân hàng mẹ (sau khi loại trừ lợi nhuận công ty con chuyển về).
Tại thời điểm cuối tháng 9, theo BCTC riêng lẻ, huy đông khách hàng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn huy động, ở mức 78%.. Đây là ưu điểm trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm về mức thấp. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 34% so với đầu năm, nâng tỷ trọng CASA trong cơ cấu tiền gửi của ngân hàng mẹ tăng từ 13,1% tại cuối năm 2019 lên gần 16% tại cuối tháng 9/2020. Đây là nguồn vốn có chi phí rẻ mà ngân hàng luôn hướng tới.
Bên cạnh việc tối ưu nguồn huy động khách hàng trên thị trường 1, ngân hàng cũng tận dụng các cơ hội tối ưu nguồn vốn với lãi suất ưu đãi trên thị trường 2, bên cạnh các khoản vay từ những tổ chức tài chính uy tín trên thị trường quốc tế như IFC.
Cụ thể, huy động ngoài khách hàng chiếm 21,6% tổng nguồn huy động của VPBank, trong đó, phát hành trái phiếu giữ vai trò chủ đạo, chiếm 47,1%; 21,5% LC UPAS, 18,8% vay liên ngân hàng và 12,5% Vay có kỳ hạn.
Vào tháng 8, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, công bố cung cấp các khoản vay thời hạn một năm và có thể gia hạn trị giá 100 triệu USD cho VPBank. Trước đó, ngân hàng này cũng nhận khoản tín dụng trị giá 212,5 triệu USD từ IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín, bao gồm Quỹ đồng cho vay được quản lý bởi IFC, Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Tổ chức tài chính quốc tế đa phương IIB, Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc và Ngân hàng Thai Kiatnakin Bank Public Company Limited.
Mặt khác, không thể bỏ qua vốn chủ sở hữu, nguồn cốt lõi để ngân hàng phát triển. Trong 10 năm qua, VPBank nằm trong top 2 ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất nhóm tư nhân. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, ban lãnh đạo đã xây dựng chiến lược tăng trưởng vốn bền vững, giữ lại 400-500 triệu USD lợi nhuận hàng năm để bổ sung vốn.
Bên cạnh đó, ngân hàng đã đa dạng hóa hoạt động đầu tư vào các chủ thể khác nhau và cân nhắc thực hiện tăng vốn trong năm 2021 thông qua bán cổ phần sở hữu FE Credit, hoặc tìm kiếm các NĐT nước ngoài chiến lược. “Năm 2021, có thể là thời điểm phù hợp để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng”, ông Vinh chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận