24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Việt Anh Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vốn, thất nghiệp, chuyển đổi cơ cấu và cơ chế bù đắp

Chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng có thể tăng thất nghiệp. Ví dụ, chính sách nâng cao chất lượng tăng trưởng, thu hút FDI phẩm chất cao có thể nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhưng lại ít khả năng tạo thêm việc làm, thậm chí tỉ lệ thất nghiệp tăng lên.

Như vậy, để chuẩn bị cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, ngoài việc chiến lược ngành giáo dục đào tào cần điều chỉnh theo mục tiêu phát triển để nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi là một lẽ, thì chính sách phúc lợi phải được nâng cao và sẵn sàng như là cơ chế bù đắp một phần cho những người bị thua thiệt trong quá trình điều chỉnh thương mại, nâng cấp công nghiệp thông qua chính sách trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo dịch vụ y tế và giáo dục, và thậm chí đảm bảo cả thu nhập tối thiểu.

Ở các nước phát triển, nhà nước phúc lợi vận hành như là một cơ chế bù đắp một phần cho những người bị thua thiệt trong quá trình điều chỉnh thương mại thông qua chính sách trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo dịch vụ y tế và giáo dục, và thậm chí đảm bảo cả thu nhập tối thiểu. Một số nước như Thuỵ Điển và các nước Bắc Âu khác có những hình thức đào tạo lại cho người lao động thất nghiệp có hiệu quả cao. Một khi những chính sách bù đắp và an sinh xã hội kém, kết quả có thể dự đoán được là phần lớn người lao động sẽ là nạn nhân của quá trình điều chỉnh thương mại khi không được bù đắp dù chỉ một phần đối với những hy sinh mà họ đã làm cho xã hội.

Giảm thiểu FDI phẩm chất thấp và tăng cường thu hút FDI phẩm chất cao là điều cần thiết, nhưng làm như thế nào và ra sao lại là việc khác. Rõ là khu vực kinh tế tiên tiến công nghiệp - công nghệ, chế biến chế tạo trình độ cao là trọng tâm của phát triển kinh tế trong tương lai. Nhưng, đối với các ngành này, một lần nữa, VỐN (thâm dụng vốn) là yếu tố cấp thiết hơn là tăng hàm lượng lao động (thâm dụng lao động). Với tiết kiệm trong dân thấp, chưa tới 30% trên GDP và so với mức tăng trưởng nhanh (TQ với mức tiết kiệm lên đến 45% GDP, Malaysia trên 35% GDP…), nhu cầu vốn ngoại phục vụ cho đổi mới chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là điều thấy rõ. Bên cạnh đó, trình độ của lao động phải được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển (giáo dục và đào tạo vì mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế được ưu tiên, chưa phải là khai phóng) thì mới đáp ứng được nhu cầu đầu tư và nâng cấp nền kinh tế.

Mặt trái của thương mại tự do là triệt tiêu năng lực sản xuất trong nước, khi các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập phẩm chất cao còn được miễn thuế. Như vậy, ngoài việc điều chỉnh chính sách thu hút FDI để nâng cao thu nhập của người lao động, các chính sách nâng cấp năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước cũng cần được quan tâm song song. Cụ thể, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ thay thế nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng hàng hoá thì mức hiệu quả tới đâu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ (tỉ giá), tín dụng dài hạn và giáo dục đào tạo nguồn nhân lực phải sẵn sàng. Việc chuyển đổi cơ cấu lao động chưa thành công cũng khiến di dân đô thị tăng nóng, tạo nhu cầu nhà ở giả tạo và tăng lạm phát. Với số lượng người nghèo đô thị gia tăng, hệ quả là kéo theo khoảng cách bất bình đẳng giữa các thị dân, không còn chỉ là giữa khu vực nông thôn và thành phố. Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn phụ thuộc vào ba yếu tố lao động, vốn và công nghệ. Nhưng khi tiết kiệm thì thấp và công nghệ thì còn kém, giáo dục thì lỗi nhịp, thì FTA càng nhiều thì khả năng thất bại của doanh nghiệp trong nước càng cao.

Chưa nâng cấp được lực lượng lao động sẽ hạn chế thu hút nhà đầu tư công nghệ cao. Còn nếu không nâng cấp được luật đầu tư nước ngoài thì sẽ khó thu hút được những doanh nghiệp quốc tế có trách nhiệm xã hội, vì họ sợ sản phẩm giá trị cao của họ được sản xuất tại một đất nước có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thấp sẽ không thể tiêu thụ được ở những thị trường như Mỹ và EU. Cần nhớ, dù Trung Quốc đã phát triển và không còn lợi thế nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, xét về tính hấp dẫn thuộc thị trường lao động, Trung Quốc luôn sẵn có số lượng lớn lực lượng lao động tay nghề cao và có tính kỷ luật tốt. Nếu một doanh nghiệp cần 20.000 kỹ sư trình độ cao trong một tháng, sẽ chẳng nơi đâu có khả năng đáp ứng nhu cầu ấy như Trung Quốc. Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Nhưng nếu phẩm chất hàng hoá trong nước cũng như của các nhà đầu tư FDI không được nâng cấp, sẽ không thoả mãn các hàng rào kỹ thuật của thị trường này, và như vậy sẽ không khai thác tối đa cơ hội xuất khẩu.

Nguồn vốn hữu hình tuân thủ quy luật hiệu suất giảm dần. Việc tích luỹ vốn tư bản đơn thuần, mà không có sự đổi mới, thì chỉ có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế hạn chế. Như vậy, nhìn về lâu dài để có được nền kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức - phát triển các nguồn vốn vô hình, thì buộc phải xây dựng được xã hội học tập với tinh tự do học thuật phát triển (Không có xã hội học tập thì không thể có kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, do vậy không thể có thịnh vượng bền vững). Và quan trọng là phải có được một thị trường vốn phát triển với một hệ thống pháp luật được hoàn thiện để bảo vệ các hoạt động đầu tư, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cạnh tranh cho doanh nghiệp làm ăn chân chính - những yếu tố mà thiếu vắng chúng, những ý tưởng và phát minh vĩ đại sẽ không thể thăng hoa.

Chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng có thể tăng thất nghiệp và chuyển đổi sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu ban đầu có thể giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Một khi đã có thể dự liệu trước những tác động cả tiêu cực ngắn hạn lẫn tích cực dài hạn, kết quả cuối là phụ thuộc vào năng lực hoạch định và quyết tâm chính trị của nhà nước trong việc cải các thể chế để đạt được các mục tiêu lớn.

Nền kinh tế thị trường khác với một xã hội thị trường ở chỗ: Nhờ có một hệ thống pháp luật hoàn thiện và thị trường vốn phát triển, nó giúp cho các doanh nhân có cơ hội cạnh tranh bình đẳng và mọi ý tưởng vĩ đại có cơ hội thành công.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Phạm Việt Anh Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả