Vốn ngoại về mốc 30 tỷ USD, cần hướng tư duy mới
Bất chấp thị trường chứng khoán phục hồi trong những ngày giao dịch gần đây, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng đã diễn ra mạnh mẽ trong quý I/2020. Trước thực tế này, bài toán đặt ra là có nên chỉ tính làm cách nào giữ chân dòng vốn ngoại, hay cần một cách ứng xử mới, mang tính dài hơi và căn cơ hơn?
Vốn ngoại nhìn từ những con số
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cuối năm 2019, tổng giá trị danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của khối nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 36,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cuối năm 2018.
Quý I/2020, theo Bộ Tài chính, khối ngoại đã bán ròng 13.341 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu.
Ðộng thái này cộng với đến ngày 25/3/2020, mức vốn hóa thị trường giảm 29,5% so với cuối năm 2019, khi ước đạt 3.090.000 tỷ đồng, khiến giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại càng suy giảm.
Theo tính toán sơ bộ, hiện giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD, tức là giảm khoảng 17,5% so với cuối năm 2019.
Nếu nhìn tần suất bán của khối ngoại sẽ dễ tạo cảm giác khối ngoại liên tục bán ròng, nhưng xét về mặt giá trị thì đến thời điểm này, lượng bán ròng không quá lớn. Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Trong tháng 3/2020, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 32.600 tỷ đồng trên HOSE, chiếm 16,7% tổng giá trị cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
“Theo dõi sát nhiều phiên cho thấy, trong các phiên bán ròng, khối ngoại không phải bán một chiều, mà họ vẫn vừa mua vừa bán, nhưng chốt cuối phiên vẫn là bán ròng.
Mặt khác, những phiên giao dịch gần đây, tuy họ vẫn bán ròng, nhưng giá trị giảm dần so với cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, từ trung bình khoảng 400- 500 tỷ đồng/phiên giảm xuống còn 200 - 300 tỷ đồng/phiên.
Ðiều đó cho thấy, động thái bán ròng của nhà đầu tư ngoại bên cạnh mang yếu tố tâm lý trong lúc thị trường bất ổn trên phạm vi toàn cầu thì họ ưu tiên nắm giữ tiền mặt, cũng phản ánh một thực tế họ thận trọng trước những rủi ro của dịch Covid-19 trong thời gian tới…”, một nhà phân tích chia sẻ.
Dù khối nội “vùng lên” tạo nên thanh khoản và thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 4, nhưng cũng có những nhận xét cho rằng, xu hướng giao dịch của nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của nhà đầu tư ngoại.
Dù dòng tiền trong nhà đầu tư nội còn tiềm năng lớn và sẵn sàng nhập cuộc khi có cơ hội, nhưng để dòng chảy này gia tăng bền vững và thực sự làm chủ cuộc chơi trên thị trường, cần những giải pháp mang tính đột phá.
Trong trường hợp dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu chưa hết phức tạp, một số ý kiến dự báo có khả năng khối ngoại còn bán ròng.
Tuy nhiên, diễn biến này không quá đáng ngại. Lý do là bởi so với bối cảnh chung của thế giới, các mặt của đời sống xã hội, cũng như nền kinh tế nói chung, kiểm soát dịch Covid-19 nói riêng ở Việt Nam đang là một điểm sáng cả trong khu vực ASEAN và toàn cầu.
Trong khi đó, về lý thuyết, nhà đầu tư ngoại khi rút vốn ra ở một số thị trường nào đó, thì họ phải tìm cách rót khoản vốn đó vào các thị trường hoặc lĩnh vực đầu tư khác.
Ngay cả những trung tâm tài chính lớn của thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản… cũng không phải là lựa chọn khả dĩ hiện nay trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở các quốc gia này, khiến cho việc phục hồi nền kinh tế còn phải tốn thời gian và phải gia tăng các nguồn lực hỗ trợ.
Giữ chân vốn ngoại, khơi rộng vốn nội: Giải pháp cần mạnh và nhanh hơn
Lâu nay, để tìm lời giải cho bài toán làm sao giảm thiểu tình trạng khối ngoại bán ròng, các quan điểm đều thiên về việc tìm cách nào thu hút và giữ chân được dòng vốn ngoại.
Ở đây, thiếu hẳn một vế tư duy mang tính đột phá là làm sao tập trung “làm lớn” nhà đầu tư nội địa để thị trường đứng vững và cân bằng hơn từ nội lực. Bối cảnh hiện nay thích hợp để hiện thực hóa hướng đi này.
Với cách tiếp cận như vậy, ở khía cạnh thứ nhất là để giữ chân và thu thu hút thêm dòng vốn ngoại, theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần “cầm chịch” và cần có quan điểm rõ ràng với việc nới tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100% đối với các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không hạn chế nước ngoài sở hữu cổ phần.
Quan điểm này cần được thể hiện và truyền thông mạnh mẽ trong bối cảnh Luật Chứng khoán 2019 đã giao quyền quy định về room cho Chính phủ và dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi, bổ sung) cũng có quy định, Chính phủ sẽ hướng dẫn về tỷ lệ đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Nếu câu chuyện về room để quá lâu mà không có quan điểm, nhà đầu tư ngoại sẽ khó trụ lại niềm tin, cũng như gia tăng giá trị đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai là cần xây dựng hệ thống thanh toán giao dịch hiệu quả hơn trên thị trường chứng khoán, cụ thể là rút ngắn thời gian giao dịch về T+1 hoặc T+0 như những gì nhà quản lý đã nói trong những năm gần đây.
Ðặc biệt, cần xem xét bỏ quy định nhà đầu tư phải có đủ tiền thanh toán mới được đặt lệnh mua cổ phiếu (trong khi các thị trường khác cho phép nhà đầu tư chỉ cần một lượng tiền đặt cọc nhỏ là được đặt lệnh giao dịch).
Liên quan đến hướng nới room cho khối ngoại, chuyên gia luật quốc tế, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam gợi mở, để hút vốn ngoại, riêng trong lĩnh vực ngân hàng có thể tăng tỷ lệ này từ mức tối đa 30% như hiện tại lên thêm 5 - 10% room dưới dạng cổ phiếu không có quyền biểu quyết.
Cùng với đó là thúc đẩy triển khai các đợt bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mạnh, để tạo động lực thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ðể phát triển các công cụ đầu tư mới, cần tiếp tục đa dạng các bộ chỉ số cơ sở có tính khả thi và hấp dẫn cho phát triển các quỹ ETF nội địa, nhưng đáp ứng khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, bên cạnh chỉ số cơ sở là VN30, mới có thêm các chỉ số VN DIAMOND, VNFIN LEAD, VNFINSELECT.
“Cách đây 10 năm, khi sang học hỏi kinh nghiệm hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Trung Quốc, chúng tôi đặt câu hỏi nước bạn đã làm gì, thì họ trả lời chúng tôi không đơn thuần nghĩ cách thu hút và giữ dòng vốn ngoại, mà tìm một hướng đi mới là gia tăng dòng tiền vào thị trường bằng cách phát triển mạnh nhà đầu tư trong nước và kết quả đã thành công. Ðây là kinh nghiệm Việt Nam nên học hỏi…”, một chuyên gia chứng khoán chia sẻ.
Ðể phát triển nhà đầu tư trong nước, ý kiến các chuyên gia đều thống nhất hiện nay cần tập trung vào ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích nhà đầu tư chọn đầu tư vào chứng khoán.
Trong đó, trọng tâm là miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân 0,1%/giá trị giao dịch, 5% thuế đánh vào nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng tiền mặt.
Cùng với đó là các cơ chế miễn, giảm mạnh thuế đối với phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư như quỹ hưu trí, quỹ bất động sản… Ðã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược bài bản cho “làm lớn” nhà đầu tư nội địa, trong đó bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.
Liên quan đến kinh nghiệm đánh thuế từ các thị trường, chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam có thể học hỏi từ nhiều nước.
Chẳng hạn, ở Australia và New Zealand, với nhà đầu tư mà đầu tư theo hình thức lướt sóng thì bị đánh thuế cao hơn so với nhà đầu tư theo hình thức đầu tư giá trị…
Các nước như Anh, Pháp đều đã bãi bỏ thuế thu nhập cá nhân đánh vào phần cổ tức của nhà đầu tư, mà chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty cho khoản lợi nhuận đó.
Giữ chân vốn ngoại, khơi rộng vốn nội là đòi hỏi từ thực tế, nhưng cái khó nằm ở quyền lực của cơ quan quản lý ngành. Nhiều giải pháp nằm ngoài tầm quyết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thậm chí cả Bộ Tài chính, mà thuộc tầm quyết định của Chính phủ, Quốc hội.
Tuy nhiên, khi vốn ngoại về ngưỡng 30 tỷ USD là một mốc đáng trăn trở cho việc thị trường chứng khoán cần có những giải pháp nhanh, mạnh hơn mới có thể duy trì hiệu quả chu chuyển dòng vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận