Vốn ngoại đăng ký gần đạt mốc 20 tỉ đô la trong 8 tháng
Do ảnh hưởng tiêu cực từ đợt bùng phát lần thứ 2 của dịch Covid-19, nguồn vốn ngoại cam kết trong tháng 8 này chỉ đạt 720 triệu đô la Mỹ, nâng tổng nguồn vốn này đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm là 19,54 tỉ đô la, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-8, cả nước có gần 1.800 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỉ đô la, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Về vốn điều chỉnh, cùng thời gian trên có 718 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỉ đô la, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 8,2% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 4,93 tỉ đồng, giảm đến 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020.
Như vậy, trong 8 tháng đầu năm nay, nguồn vốn đăng ký của các dự án FDI tăng trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi vốn góp và mua lại cổ phần trong nước lại sụt giảm mạnh.
Trên thực tế vốn FDI cam kết tăng chủ yếu dựa vào 3 dự án lớn gồm: dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la (chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới). Hay dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn thêm gần 1,39 tỉ đô la.
Đáng chú ý, trong thời gian dịch bệnh này, cả nước vẫn có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,54 tỉ đô la, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,97 tỉ đô la, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,75 tỉ đô la, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỉ đô la, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4 tỉ đô la, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỉ đô la và 1,21 tỉ đô la. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận