menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Vốn ngân hàng gắn kết chuỗi sản xuất nông sản

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói riêng, gặp nhiều khó khăn mới càng thấy hết ý nghĩa sự hỗ trợ của đồng vốn ngân hàng trong việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất - chế biến

Thắng đậm ở các mô hình khép kín

Kết thúc quý I/2020, Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển các mô hình cánh đồng lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận doanh thu 2.400 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, mảng thuốc bảo vệ thực vật và mảng lương thực là hai mảng đóng góp nhiều nhất vào doanh thu lần lượt chiếm tỷ trọng 65% và 25% của tập đoàn này. Trong đó, các mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và trái cây, chính là những vùng nguyên liệu tạo ra dòng tiền tăng trưởng 375% của Lộc Trời trong quý vừa qua.

Tương tự với Lộc Trời, một loạt các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông sản theo các mô hình chuỗi giá trị như CTCP Trung An chuyên liên kết với nông dân và các hợp tác sản xuất lúa, Vinaseed chuyên cung cấp giống cây trồng cho các vùng nguyên liệu, Đạm Cà Mau, DAP Vinachem… trong quý I vừa qua cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi Vinaseed ghi nhận doanh thu tăng trưởng 11% và lợi nhuận cao gấp đôi cùng kỳ do đầu tư độc quyền cung cấp lúa giống cho các chuỗi giá trị khép kín tại 6 tỉnh khu vực phía Nam. Trong khi đó, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu tăng 39% nhờ bán phân URE cho các khu vực trồng lúa trọng điểm.

Ở ngành chăn nuôi, kết thúc năm 2020 doanh thu mảng nông nghiệp của Tập đoàn C.P tại Việt Nam đạt mức 3,47 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Trong năm 2020, tập đoàn này đã hợp tác với ví điện tử TrueMoney Việt Nam và nhiều NHTM để triển khai sản phẩm hỗ trợ vốn kinh doanh trên nền tảng số, phục vụ hàng ngàn đại lý phân phối của tập đoàn này. Nhờ việc mở rộng các mô hình chuỗi giá trị sản xuất khép kín 3F (Feed - Farm - Food) lợi nhuận thu về từ mảng chăn nuôi của C.P hiện nay đã đạt mức gần 1 tỷ USD, ngang ngửa với các nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu là Honda Việt Nam hoặc Samsung Electronics Việt Nam.

Vốn lớn vẫn chảy vào nông nghiệp

Quan sát thị trường cho thấy, mặc dù trong năm vừa qua nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng mảng sản xuất lương thực, sản xuất giống và phân bón vẫn có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Tính đến cuối tháng 4/2021 giá gạo bình quân trên thế giới đã tăng trưởng ở mức 9% so với đầu năm, giá phân URE thương mại cũng tăng khoảng 3,1%. Trong khi đó ở lĩnh vực chăn nuôi, giá thịt lợn đã tăng 66% trong cả năm 2020. Điều này kích thích mạnh mẽ sự chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn.

Ghi nhận các tháng gần đây cho thấy dòng tiền đổ vào xây dựng các chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm nông sản vẫn đang chạy mạnh và ngày càng có chiều hướng đa dạng hóa. Ở lĩnh vực lúa gạo, hiện Vinaseed đã hợp tác với hệ thống siêu thị Vinmart để phân phối sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25 trong hệ thống Vinmart và Vinmart+ trên toàn quốc. Trong khi đó, Tập đoàn Masan đã khá thành công với thương hiệu thịt mát MeatDeli. Trong năm qua, mảng thịt lợn của Masan ghi nhận doanh thu đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước.

Ở khía cạnh đầu tư, hiện nay các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, T&T, T.H, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco… đều đã rót cả chục ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện thị phần bò Úc của Hòa Phát đã chiếm 50% sản lượng cả nước, sản lượng heo cũng đã đạt mức gần 400.000 con. Trong khi đó, Tập đoàn T&T hiện nay đã sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu lớn của ngành nông nghiệp như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafood...

Tất cả những diễn biến trên cho thấy sự chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng lựa chọn của các tập đoàn kinh tế lớn với các tham vọng mang tính chiến lược dài hơi. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy rằng trong các năm 2019-2020, tốc độ tăng trưởng của số doanh nghiệp đầu tư mới vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi là khoảng 35-36%. Đáng chú ý là số lượng các dự án đầu tư lớn vào nông nghiệp cũng ngày càng tích cực. Từ năm 2019 đến nay đã có khoảng trên 30 dự án nông nghiệp lớn được triển khai với tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2020 đã có 17 dự án được khởi công, khánh thành và đi vào hoạt động với mức đầu tư 17.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ lĩnh vực kinh tế nông nghiệp vẫn có sức hấp dẫn khá mạnh ngay cả khi nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.

Có được kết quả này không thể không nhắc tới vai trò của các ngân hàng. Theo đó không chỉ tập trung đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn mà các ngân hàng còn tích cực tham gia và hỗ trợ vốn cho các bên tham gia chuỗi liên kết. Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ước cuối tháng 4/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 2,287 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm 2020.

Riêng đối với các mô hình, dự án nông nghiệp lớn đầu tư theo dạng liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp, hiện nay các NHTM đang cho vay hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Một số dự án điển hình được các ngân hàng tài trợ vốn lớn, bao gồm: Dự án chăn nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam vay Vietcombank, dư nợ khoảng 550 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao của Nhóm các Công ty Nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát, dư nợ khoảng 575 tỷ đồng; dự án trồng hoa của CTCP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, dư nợ 46 tỷ đồng (đều vay Vietcombank); dự án trồng cây ăn quả của CTCP Quốc tế nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, dư nợ trên 721 tỷ đồng; dự án nuôi cấy, trồng lan và bán hoa lan của CTCP Agritech, dư nợ trên 11,3 tỷ đồng (đều vay BIDV); Dự án chăn nuôi thủy sản của CTCP thực phẩm Trung Sơn; Dự án cho vay dự án chăn nuôi nông nghiệp Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang vay VietinBank dư nợ 32,74 tỷ đồng và 19 tỷ đồng...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại