Vốn ngân hàng bao giờ hết ảo?
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiếu tồn tại của ngành ngân hàng (đến cuối năm 2017), trong đó tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) chưa đáng tin cậy.
Chiểu theoThông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì phải sau ngày 1/1/2021 cơ cấu vốn tự có của các nhà băng mới thực chất hơn
CAR “cải thiện ảo”
Theo Kiểm toán Nhà nước, loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được NHNN mua 0 đồng, một số NHTM đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm “cải thiện ảo” hệ số CAR, thậm chí một số NHTM phân loại nợ không đúng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số CAR.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, đánh giá nói trên của Kiểm toán Nhà nước là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, tình trạng “cải thiện ảo” hệ số CAR của các nhà băng cũng bắt nguồn từ những quy định pháp lý chưa chặt chẽ trước đây.
Quả vậy, theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng nói riêng, TCTD nói chung được cộng vào vốn cấp 2 trái phiếu chuyển đổi hoặc các công cụ nợ khác mà TCTD phát hành, miễn là chúng đáp ứng được các điều kiện: Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu là 5 năm; Không được đảm bảo bằng tài sản của TCTD; TCTD không được mua lại, trả nợ trước thời gian đáo hạn…
Thế nhưng thời điểm đó, cơ quan quản lý vẫn chưa nhận thấy có một kẽ hở trong quy định này, đó là đối tượng mua và nắm giữ các công cụ nợ này lại có thể là các ngân hàng khác. Điều đó dẫn tới một thực tế là các ngân hàng mua trái phiếu của nhau để “giúp nhau” cùng tăng vốn cấp 2. Có nghĩa, vốn cấp 2 của hệ thống ngân hàng có thể tăng về giá trị sổ sách, song vốn “tiền tươi thóc thật” lại không có.
Cần xử lý dứt điểm sở hữu chéo
NHNN cũng đã nhận ra “lỗ hổng” nói trên và đưa ra bản “vá lỗi” cho Thông tư 36. Theo đó, tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, NHNN yêu cầu các TCTD phải loại trừ toàn bộ khỏi vốn cấp 2 trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp của TCTD khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của TCTD phát hành mà TCTD mua, đầu tư kể từ ngày 12/2/2018.
Đối với trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp được mua, đầu tư trước ngày 12/2/2018, TCTD trừ khỏi vốn cấp 2 theo lộ trình: Từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 31/12/2019, trừ 50% giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp; Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2020 trừ 75% giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp; Từ ngày 01/01/2021, trừ toàn bộ giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp.
Cũng chính quy định này khiến CAR của hệ thống trở nên thực chất hơn, cho dù tỷ lệ này đang giảm dần. Tại thời điểm 31/1/2018, CAR của hệ thống là 12,37%; trong đó CAR của khối NHTM Nhà nước là 9,77%; khối NHTMCP là 11,45%; nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài là 28,32%. Thế nhưng đến cuối tháng 2/2019, CAR của toàn hệ thống ngân hàng chỉ là 11,8%; trong đó, CAR của các khối ngân hàng lần lượt giảm còn 9,42%; 10,76% và 24,67%...
Thế nhưng, để CAR của các ngân hàng thực chất hơn nữa, cần phải xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo. Theo báo cáo mới đây của NHNN gửi các đại biểu Quốc hội, NHNN cho biết, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đến thời điểm cuối tháng 12/2018 đã khắc phục được hết (năm 2012:7 cặp). Tuy nhiên pháp luật mới chỉ cấm TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó; song vẫn chưa đề cập đến trường hợp TCTD A sở hữu cổ phần của TCTD B, trong khi B sở hữu cổ phần của TCTD C, còn C lại sở hữu cổ phần của A.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận