Vốn FDI thực hiện vượt 8 tỷ USD sau chưa đầy 5 tháng
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến 20/5 đã đạt 8,25 tỷ USD, cao nhất trong những năm qua.
Đây là một trong những nội dung về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tính đến cuối tháng 5 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6.
Vốn FDI thực hiện cao nhất nhiều năm
Cụ thể, ông Sơn cho biết tính đến 20/5, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ước ngoài) đã đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 28%, cao nhất trong 3 năm qua. Vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng gần 8%, cao nhất trong những năm qua.
Cũng liên quan các chỉ số về đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 31/5 đã đạt 148.300 tỷ đồng, tương đương hơn 22% kế hoạch.
Với các chỉ số kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
Trên thị trường tiền tệ, tín dụng và ngoại hối, tính đến 23/5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 2,41%, trong đó tín dụng Đồng Việt Nam tăng 2,52% và tín dụng ngoại tệ giảm 0,4%.
Xuất khẩu 5 tháng qua cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đã tăng hơn 9% so với tháng 4 và tăng 23% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gần 17%, trong đó xuất khẩu tăng 15% và nhập khẩu tăng 18%.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết kim ngạch nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước và cán cân thương mại 5 tháng vẫn ghi nhận xuất siêu trên 8 tỷ USD.
Về thu, chi ngân sách Nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 894.400 tỷ đồng, tương đương 52,8% dự toán, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi ngân sách 5 tháng ước đạt 656.700 tỷ đồng, bằng 31% dự toán và tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Tiếp tục miễn giảm thuế, phí, lãi suất vay cho doanh nghiệp
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng có thông tin về tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp từ đầu năm đến nay.
Theo Thứ trưởng Phương, đây là vấn đề nóng được xã hội và dư luận quan tâm. Đặc biệt trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình hình doanh nghiệp.
Theo ông Phương, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5 là 20.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tăng gần 11% so với cùng kỳ.
“Tính chung 5 tháng, xu hướng cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui. Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập là 98.800 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp”, ông Phương chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại phiên họp báo chiều 1/6.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, việc số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường chỉ cao hơn khoảng 1.000 doanh nghiệp so với nhóm rút lui khỏi thị trường cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết Bộ vẫn theo dõi chặt chẽ và báo cáo định kỳ với Thủ tướng, Chính phủ. Tại phiên họp Chính phủ sáng 1/6, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tích cực cho doanh nghiệp tập trung vào 3 hướng.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh đó là cải thiện yếu tố đầu vào, hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.
Giải pháp thứ 3 là thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận