Vốn FDI đổ vào TP.HCM tiếp tục tăng mạnh
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM, trong 11 tháng năm 2019, TP HCM đã thu hút được 6,79 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.182 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 1,07 tỷ USD, tăng 23,2% số dự án cấp mới và tăng 46,5% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vốn FDI ở TP HCM đổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản là quy luật tất yếu của thị trường.
Tính chung cả năm 2019, UBND TP HCM cho biết, dự kiến thu hút được 8 tỷ USD vốn FDI, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.200 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,85 tỷ USD (tăng 13% số dự án cấp mới và bằng 224% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
TP HCM cũng có 300 lượt dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 850 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn). Cùng với đó, thành phố chấp thuận cho 5.500 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 5,3 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư trong nước, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 888.469 tỷ đồng, bằng 98,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Thành phố có 40.439 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 599.037 tỷ đồng, tăng 2,2% số lượng doanh nghiệp và tăng 22,5% về vốn đăng ký so cùng kỳ; có 121.901 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tăng 6,7% số lượt doanh nghiệp.
Theo UBND TP HCM, có được kết quả này là do năm 2019, TP HCM đã tổ chức hiệu quả 203 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố còn đón tiếp và làm việc với 310 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm xúc tiến thương mại và đầu tư. Thành phố cũng duy trì hiệu quả hoạt động của tổ công tác đầu tư, họp hàng tuần để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án, nhất là các dự án lớn.
Trong thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành quan trọng của thành phố. Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bất động sản dẫn đầu
Phân theo lĩnh vực đầu tư, ngànhkinh doanh bất động sảndẫn đầu về vốn FDI với 41 dự án, vốn đầu tư đạt 455 triệu USD. Tiếp theo là hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ 247 dự án, vốn đầu tư 241 triệu USD; thương mại có 456 dự án, vốn đầu tư 175,6 triệu USD… Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vốn FDI ở TP HCM đổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản là quy luật tất yếu của thị trường. Vì hiện nay, ở đây không có nhiều lợi thế cho sản xuất, mặt bằng cho sản xuất rất đắt đỏ. Trong khi đó, các khu công nghiệp ở thành phố diện tích đã lấp gần đầy.
Diện tích còn lại thành phố ưu tiên cho phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao. Cho nên, nếu doanh nghiệp muốn có mặt bằng rộng rãi, giá hợp lý để sản xuất hiệu quả thì buộc phải tìm đến các tỉnh lân cận. Từ thực tế đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như: tòa nhà cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… là hợp lý.
TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fullright đánh giá, nguồn vốn đầu tư đổ vào các dự án hạ tầng đô thị, nhà ở, các loại bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng cao, đây là sự phát triển bình thường, lành mạnh của nền kinh tế. Điều cần lưu ý là cơ quan chức năng đừng để các dự án nằm trên giấy và cũng đừng để tình trạng đầu cơ bất động sản xảy ra.“Kinh tế của TP HCM dựa vào dịch vụ, dịch vụ phải dựa vào bất động sản, nhà ở, cao ốc… Nó rất cần nhà ở chất lượng cao, văn phòng chất lượng cao, đó là nền tảng cạnh tranh của kinh tế, việc đầu tư vào bất động sản cũng tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế, xu hướng này phát triển tốt cho TP HCM”, ông Du nói.
Vốn FDI đầu tư vào bất động sản góp phần tạo nền tảng cơ sở hạ tầng đô thị tốt để thành phố đáp ứng các yêu cầu phát triển cho thương mại, dịch vụ tài chính, nhất là thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Vì vậy, thành phố cần có những chính sách thu hút tốt vốn đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực này, tạo thêm động lực để doanh nghiệp cùng tham gia xây hạ tầng đô thị ở các khu vực ngoại thành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận