Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong quý I bất chấp dịch COVID-19
Tại báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý I, Bộ Xây dựng nhận định rằng, thời gian qua lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia và một số tổ chức tài chính quốc tế thì dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam, việc đang khống chế thành công đại dịch là ưu điểm rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia, bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực trong thu hút FDI.
Có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực BĐS như Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế, rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về tình hình cấp tín dụng, Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết tốc độ tăng tín dụng của quý I đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
Đến cuối tháng 2, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 0,16%; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,13%; ngành thương mại, dịch vụ đạt gần 5,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,52% so với cuối năm 2020.
Tín dụng lĩnh vực BĐS là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%). Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn biến động đi lên nhưng tốc độ tăng chậm dần (năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I tăng khoảng 3%).
Bộ Xây dựng cho biết tín dụng BĐS vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời, có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường BĐS tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng.
Theo phân tích của các chuyên gia, có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh do dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn đã chuyển hướng sang BĐS. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào kênh đầu tư BĐS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận