Vốn điều lệ: thế nào là lớn là nhỏ?
Thời gian qua, dư luận ồn ào quanh việc một doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn điều lệ là 500.000 tỉ đồng (khoảng 21,7 tỉ đô la) tại TPHCM. Thực sự vốn điều lệ 21,7 tỉ đô la là chưa thấy ở nước ta.
Nhưng ở chiều ngược lại, liệu cơ quan đăng ký kinh doanh có chấp nhận một doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ chỉ 1 triệu đồng hay không? Câu hỏi này dẫn đến một câu hỏi khác quan trọng hơn: vốn điều lệ là gì?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên hay cổ đông sáng lập cam kết góp khi thành lập công ty. Như vậy, vốn điều lệ mang hai ý nghĩa: (1) là số vốn ban đầu để công ty hoạt động, và (2) giới hạn trách nhiệm của thành viên/cổ đông công ty.
Vốn điều lệ: vốn ban đầu nhưng không phải là tất cả
Vốn điều lệ cho biết số vốn ban đầu của doanh nghiệp và từ số vốn điều lệ ban đầu được góp này, công ty sử dụng để kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, công ty có thể có lãi, khi đó tài sản của công ty sẽ lớn hơn vốn điều lệ ban đầu. Nhưng nếu công ty làm ăn thua lỗ, tài sản của công ty sẽ giảm sút, khi đó có thể tài sản thực tế còn lại nhỏ hơn vốn điều lệ, thậm chí là âm vốn điều lệ. Trong những trường hợp như vậy, giá trị vốn điều lệ có thể sẽ không thể hiện được chính xác tình hình tài chính hiện tại của công ty.
Do đó, khi giao dịch với các công ty, thay vì chỉ quan tâm tới vốn điều lệ, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn tới giá trị tài sản hiện hữu của công ty, cụ thể hơn là giá trị tài sản ròng (tức là lấy tài sản trừ đi các khoản nợ của công ty) vì giá trị tài sản ròng là cơ sở kinh tế để đảm bảo cho các nghĩa vụ của công ty. Một công ty có vốn điều lệ 100 tỉ đồng nhưng nợ 150 tỉ đồng thì không thể coi là có tài chính lành mạnh so với một công ty có vốn điều lệ 20 tỉ đồng nhưng không nợ đồng nào.
Vốn điều lệ: giới hạn trách nhiệm của thành viên hoặc cổ đông
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, vốn điều lệ là giới hạn trách nhiệm của thành viên hoặc cổ đông đối với các khoản nợ của công ty. Sau khi đã góp đủ vốn điều lệ, thành viên hoặc cổ đông sẽ không phải gánh thêm bất cứ nghĩa vụ tài sản nào đối với công ty. Nói cách khác, công ty có lời hay lỗ, thành viên hoặc cổ đông cũng không có trách nhiệm gì thêm với bên thứ ba.
Đứng trên quan điểm của người đầu tư, họ luôn mong muốn trách nhiệm của mình càng thấp càng tốt trong phạm vi mà luật pháp cho phép. Nhưng câu hỏi tiếp theo là có thể hạ thấp trách nhiệm của thành viên hoặc cổ đông đến mức nào? Thực tế đầu tư trên thế giới cho thấy không ít công ty được thành lập với vốn điều lệ là 1 hoặc 2 đô la (tức là 20.000-50.000 đồng).
Ngay tại đây sẽ phát sinh một câu hỏi: nếu công ty chỉ có vốn điều lệ là 1 hoặc 2 đô la thì làm sao công ty hoạt động? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Một phương án thường được áp dụng là sau khi thành lập công ty, thành viên hoặc cổ đông sẽ cho công ty vay vốn để hoạt động.
Việc cho vay vốn hoạt động như vậy cũng có ưu điểm là thành viên hoặc cổ đông, với tư cách người cho vay, có thể thu hồi khoản vay bất cứ khi nào theo hợp đồng vay mà không đợi khi công ty có lợi nhuận thì mới được chia lợi nhuận như phương án góp vốn.
Ngoài ra, việc thu hồi vốn vay cũng không làm phát sinh thu nhập của người cho vay (thành viên hoặc cổ đông), do vậy thành viên hoặc cổ đông không phải đóng thuế thu nhập (trừ thuế tính trên phần lãi). Trong khi đó, khi nhận lợi tức hoặc cổ tức từ công ty, về nguyên tắc, thành viên hoặc cổ đông sẽ phải đóng thuế thu nhập trên khoản lợi tức hoặc cổ tức nhận về.
Bên cạnh đó, cũng cần đề cập tới việc góp ít vốn bao giờ cũng dễ dàng hơn góp nhiều vốn, nhất là khi Luật Doanh nghiệp hiện hành có quy định thời hạn 90 ngày từ ngày thành lập doanh nghiệp để thành viên hoặc cổ đông phải góp đủ vốn.
Cần một cái nhìn cởi mở từ cơ quan cấp phép
Trong vụ lập công ty với vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng, cách phản ứng của cơ quan cấp phép lại là một bất ngờ khác đối với những người quan tâm. Cơ quan cấp phép đã gửi công văn báo cho Bộ Công an và Công an TPHCM vì cho rằng người sáng lập “vô ý thức” khi “cố tình để đùa giỡn pháp luật” .
Việc cơ quan cấp phép cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty đã cho thấy việc đăng ký vốn quá cao có thể là lạ thường nhưng không bất hợp pháp. Vì vậy việc cơ quan cấp phép gửi công văn cho cơ quan công an là khó hiểu và không thể không khiến nhiều người cảm giác như cơ quan cấp phép muốn “dằn mặt” doanh nghiệp để làm gương cho những doanh nghiệp khác.
Còn ở chiều ngược lại, việc lập công ty với số vốn điều lệ thấp (20 triệu, 10 triệu hoặc thấp hơn) là không vi phạm Luật Doanh nghiệp khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định và Luật Doanh nghiệp và văn bản thi hành cũng không giới hạn số vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty. Tuy vậy, đã nhiều lần doanh nghiệp được cơ quan cấp phép đề nghị nâng số vốn điều lệ lên do vốn đăng ký quá thấp.
Thực tế trên có thể thấy rằng, các cơ quan cấp phép hiện nay không thích những gì quá bất thường trong quá trình cấp phép. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh hiện nay thay đổi rất nhanh và có lẽ cần sự cởi mở hơn từ phía các cơ quan cấp phép nếu những yêu cầu của doanh nghiệp bất thường nhưng không bất hợp pháp, đơn giản như việc doanh nghiệp tự quyết số vốn điều lệ khi đăng ký.
(*) Công ty Luật Global Vietnam Lawyers
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận