Vốn đầu tư mạo hiểm ‘khô cạn’ ở Thung lũng Silicon hậu SVB phá sản
SVB từng là một ‘bánh răng’ đáng tin cậy trong ‘cỗ máy vận hành’ của Thung lũng Silicon, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm - đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của các startup.
Thung lũng Silicon là nơi đầy thử thách cho hoạt động ngân hàng. Các ông chủ của công ty khởi nghiệp (startup) gọi vốn dù chưa có doanh thu. Các khoản vay cũng hiếm khi được bảo đảm bằng tài sản vật chất. Đó là chưa kể nhiều startup sẽ chẳng đi đến đâu.
Nhưng Silicon Valley Bank (SVB) thì khác. Họ thu hút được gần một nửa số công ty đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và khoa học bằng cách cung cấp dịch vụ rất tận tình và trọng thể. Không chỉ là những bữa trưa miễn phí và tổ chức sự kiện hoành tráng, SVB đã khẳng định mình là một ‘bánh răng’ đáng tin cậy trong ‘cỗ máy vận hành’ của Thung lũng Silicon.
Nhờ sự can thiệp kịp thời của các nhà quản lý, cú sập của SVB đã không dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiền mặt ở Thung lũng Silicon. Nhân viên ở các startup chỉ cần lo lắng về công việc và từ đó làm giảm đi nỗi bức xúc. Sự việc cũng cho thấy sự cần thiết của việc quản trị rủi ro.
Theo The Economist, đối với giới đầu tư mạo hiểm, cơ hội để thay thế SVB ở Thung lũng Silicon là ‘cơ hội to lớn’. Sẽ không thiếu các tổ chức để mắt đến 300 tỉ USD vốn mạo hiểm đang chờ được rót vào các công ty khởi nghiệp. Nhưng sự sụp đổ của SVB sẽ làm giảm tham vọng của Thung lũng Silicon theo những cách khác nhau.
Một số báo cáo cho thấy, nỗ lực đấu giá SVB của cơ quan quản lý sẽ khó sớm tìm được người mua.
Các startup cũng bận rộn tìm kiếm ‘ngôi nhà mới’ cho các khoản tiền mặt của họ. Một số vội vã mở các tài khoản ngân hàng mới trong khi số khác thậm chí chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân. Các Fintech cũng có một ngày cuối tuần bận rộn. Brex, một công ty như vậy, đã mở 3.000 tài khoản mới.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa fintech và các ngân hàng khu vực, vốn đã bị ảnh hưởng sau sự sụp đổ của SVB, có thể khiến các khách hàng tiềm năng e ngại.
Các ngân hàng lớn có thể sẽ đóng vai trò quản lý tiền mặt của Thung lũng Silicon trong tương lai. Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase khó có thể mở tài khoản đủ nhanh như SVB từng làm. Khi ấy, các công ty khởi nghiệp có thể mong đợi một dịch vụ an toàn hơn.
Liệu các ngân hàng lớn nhất có đánh giá lại cách họ cấp vốn cho các công ty công nghệ nhỏ nhất hay không vẫn là một ẩn số. Một câu hỏi khác là điều gì sẽ xảy ra với dòng vốn mạo hiểm.
SVB vốn là ‘tay chơi’ lớn ở thị trường này. Họ có 6,7 tỉ USD dư nợ cho các khoản vay trong lĩnh vực mạo hiểm. Các công ty khởi nghiệp đã sử dụng khoản vay chi phí thấp này để bổ sung vào bảng cân đối kế toán giữa các vòng huy động vốn cổ phần. Các khoản vay như vậy có thể trở nên đắt đỏ hơn trước, đặc biệt là những startup mới thành lập.
Các ‘bánh xe’ khác trong ‘cỗ máy’ đầu tư mạo hiểm cũng sẽ cần tra dầu. SVB thường cung cấp tài chính bắc cầu cho các công ty đầu tư mạo hiểm, cho phép họ thực hiện các giao dịch trong khi chờ tiền mặt từ các nhà đầu tư. SVB sụp đổ có thể tác động tiêu cực đối với một ngành đang phải chịu lãi suất cao hơn.
Các hạn chế về tài chính và khó khăn trong hoạt động ngân hàng đối với các công ty nhỏ sẽ khiến ngành công nghiệp này trở nên khó khăn hơn. Bối cảnh mới sẽ nhắc nhở các nhà giao dịch mỗi khi tới ngân hàng. Đó không hẳn là một điều xấu./
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận