Vốn đầu tư công giải ngân ì ạch, địa phương kêu vướng gì?
Theo Bộ KH&ĐT, các dự án trọng điểm, công trình hạ tầng quy mô lớn… cơ bản không lo thiếu vốn, mà chủ yếu là đơn vị có triển khai, làm được hay không.
Đây là cuộc họp nằm trong những hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án, đưa vào danh mục trung hạn ngay (như quy định tại Luật Đầu tư công hiện nay) sẽ rất khó khăn, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. Theo đó, nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Hiện, kế hoạch đầu tư công hàng năm ngân sách địa phương đều được HĐND các cấp thông qua trước 31/12 trước năm kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Dương, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và cần phải thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu.
“Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, kính đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế: Đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm kế hoạch thì UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất”, đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị.
Tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội đã tổng hợp, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm dự án đầu tư công; sản xuất, kinh doanh; dự án đối tác công - tư.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành đồng bộ luật, nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn cùng thời điểm để giảm thời gian khi áp dụng thực tiễn, tránh việc khi luật mới ban hành phải chờ đợi nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn mới thực hiện được.
TP Hà Nội đề nghị các bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về đất đai để đồng bộ trong việc thực hiện các quy định mới của Luật đầu tư, Luật đấu thầu.
“Trong bối cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, nếu tháo gỡ được khó khăn của các dự án, giúp giải phóng được nguồn lực là rất tốt cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Ghi nhận 5 vấn đề về đầu tư công; 12 nhóm vấn đề về các dự án sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định: “Nếu nội dung nào đúng, chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo, trình Chính phủ có thể sửa đổi”.
Thứ trưởng Đông cho biết, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; tham mưu cho Thủ tướng cơ chế, chính sách, giải pháp khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.
Tháng 8/2021, Bộ KH&ĐT cho biết đã nhận được đề xuất của một số bộ, cơ quan, địa phương xin giảm kế hoạch. Bộ sẽ tổng hợp việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60%. Ngày 30/9, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, và tổng hợp những thay đổi kế hoạch của các bộ, cơ quan, địa phương làm căn cứu điều chuyển vốn giữa các đơn vị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận