24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Diệp Bắc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vốn đầu tư công chậm và câu chuyện tiền thừa chưa tiêu

Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, lượng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn tăng trưởng chậm chạp và chưa đạt tiến độ kế hoạch đề ra, đặc biệt là dòng vốn đầu tư công dành cho các dự án cơ sở hạ tầng. Vì đâu tình trạng này kéo dài và hệ quả là gì?

Thu nhiều, tiêu ít

Chỉ mới 8 tháng nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước đã tương đương 79% dự toán năm, ước đạt hơn 1.33 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp việc Chính phủ thời gian qua đã chủ động miễn giảm nhiều loại thuế phí và gia hạn thời gian nộp, nguồn thu nội địa vẫn tăng 19% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ trở lại từ đầu năm đến nay cũng đã giúp khôi phục nguồn thu hoạt động xuất, nhập khẩu, khi tăng 16% so với cùng kỳ và đạt gần 88% dự toán năm.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế 8 tháng năm 2024 ước đạt 1.1 triệu tỷ đồng, chỉ bằng 52% dự toán năm và tăng nhẹ 1.9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là trong khi chi thường xuyên và chi trả nợ lãi vẫn tăng trưởng lần lượt 6% và 8.9% so với cùng kỳ, nguồn vốn chi đầu tư phát triển lại tiếp tục giảm gần 9%, khi chỉ đạt 273.6 ngàn tỷ đồng và mới bằng 40% dự toán năm, một con số rất thấp khi đặt trong bối cảnh cần phải tăng cường đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê (GSO) cũng cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng qua cũng mới bằng 48% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị ước đạt 363 ngàn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 tuy cũng chỉ bằng 49% kế hoạch nhưng có mức tăng trưởng lên đến 25%. Xu hướng tăng trưởng chậm chạp của dòng vốn này đã kéo dài suốt từ đầu năm đến nay.

Đặc biệt, trong khi vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 300.5 ngàn tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch năm và chỉ tăng nhẹ 3.2% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý thậm chí còn giảm 3.4%, khi chỉ đạt 62.6 ngàn tỷ đồng và bằng 50% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của Bộ Giao thông vận tải đạt 38.2 ngàn tỷ đồng, giảm mạnh gần 21%, dù lẽ ra đây phải là cơ quan cần tăng cường đầu tư nhất để cải thiện cơ sở hạ tầng vốn đang là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Với tình trạng thu nhiều tiêu ít, thể hiện qua thặng dư ngân sách 8 tháng đầu năm ở mức hơn 231 ngàn tỷ đồng, lượng vốn ngân sách của Chính phủ tồn lại ngày càng nhiều hơn, khi xu hướng này đã duy trì trong suốt những năm gần đây, bất chấp chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ bằng cách giảm các loại thuế phí và tăng cường đầu tư. Diễn biến này cũng cho thấy chính sách tài khóa vẫn chưa mang lại hiệu quả và kích thích tăng trưởng như kỳ vọng.

Chia sẻ từ Kho bạc Nhà nước gần đây cũng cho biết việc chậm giải ngân các dự án đầu tư của Nhà nước đã khiến tồn quỹ ngân sách lên tới 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, tồn quỹ ngân sách Nhà nước gồm 2 cấp: Trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công, kế tiếp là nguồn tiền để cải cách tiền lương vốn đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Quan trọng là đầu tư công

Cụ thể theo thông tin từ Bộ Tài chính, thanh toán giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 là hơn 274.5 ngàn tỷ đồng, chỉ mới đạt 37% kế hoạch và chưa đến 41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ đạt kế hoạch khi so với cùng kỳ năm 2023, khi giá trị giải ngân 8 tháng 2023 là xấp xỉ 300 ngàn tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch năm và tương ứng hơn 42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc giải ngân thấp và tồn quỹ lớn không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng, mà còn đang gây ra lãng phí lớn cho ngân sách, khi ngoài nguồn thặng dư ngân sách, Chính phủ vẫn đang phải huy động lượng vốn lớn để đầu tư thông qua kênh trái phiếu, với lãi suất phát hành quanh 3%/năm, còn vốn vay nước ngoài với lãi suất 6-8%/năm. Trong khi đó, lượng ngân sách tồn quỹ đem gửi ngân hàng dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn chỉ có lãi suất dưới 1%/năm.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh được giao hơn 79,200 tỷ đồng, chiếm gần 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng mới chỉ giải ngân 17%; TP. Hà Nội được giao hơn 81,000 tỷ đồng, chiếm 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng mới chỉ giải ngân 35%. Ngoài ra, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% như Phú Yên (18.8%), Kon Tum (22%), Bắc Ninh (22%) và Quảng Ngãi (23%).

Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công trì trệ chủ yếu do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Cùng với đó, nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân.

Cũng cần biết rằng việc giải ngân thấp và tồn quỹ lớn như thế không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng, mà còn đang gây ra lãng phí lớn cho ngân sách, khi ngoài nguồn thặng dư ngân sách, Chính phủ vẫn đang phải huy động lượng vốn lớn để đầu tư thông qua kênh trái phiếu, với lãi suất phát hành quanh 3%/năm, còn vốn vay nước ngoài với lãi suất 6-8%/năm. Trong khi đó, lượng ngân sách tồn quỹ đem gửi ngân hàng dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn chỉ có lãi suất dưới 1%/năm. Thực trạng này càng cho thấy việc đẩy nhanh vốn đầu tư công là mục tiêu quan trọng và hàng đầu hiện nay.

Vì vậy, với tỷ lệ giải ngân ước 8 tháng qua vẫn đạt tiến độ thấp, trong khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 là phải giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn trong năm nay, do đó Bộ Tài chính thời gian qua cũng liên tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác là các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, vì GPMB là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (BQLDA) phối hợp chặt chẽ với chính quyền công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, GPMB; tính toán đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước và ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện bồi thường, GPMB đối với phần diện tích đã đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Ngoài ra, với những thiệt hại nặng nề từ cơn bão Yagi mới đây, khiến nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống tại nhiều địa phương ở miền Bắc hư hại nặng nề, cũng là cơ hội để các cấp chính quyền, các đơn vị bộ ngành cần nhanh chóng giải ngân nguồn vốn ngân sách để xây dựng, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn cho giai đoạn tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả