Vốn của tổ chức chính trị – xã hội trong công ty cổ phần có phải là vốn nhà nước?
Hôm 28-12, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục xét xử vụ án sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận mà Văn phòng Thành ủy TPHCM chiếm 16,7% vốn điều lệ.
Bị cáo Trần Công Thiện (đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM tại Sadeco) trước toà không đồng ý với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí khi Sadeco bán 9 triệu cổ phiếu.
Lập luận của bị cáo Thiện tại tòa là vốn của Thành ủy tại Sadeco là tài sản Văn phòng Thành ủy, Đảng bộ TPHCM. “Khi tài sản nhà nước đã chuyển giao cho tổ chức chính trị thì tổ chức này toàn quyền định đoạt tài sản đó”, một tờ báo tường thuật tại tòa trích dẫn.
Không ít tờ báo đã xem đây là “lập luận lạ lùng” và thực tế trong cuộc sống, không ít người nghĩ vốn góp của các tổ chức chính trị – xã hội trong các công ty cổ phần là vốn nhà nước.
Nhưng cũng có không ít người lại nghĩ khác. Một luật sư nói với người viết bài này rằng để hiểu đúng có phải là vốn nhà nước hay không thì cứ nhìn lợi nhuận chia được từ góp vốn này đi về đâu. Hiểu đơn giản nếu lợi nhuận phải nộp vào ngân sách nhà nước và sau đó chi ra theo luật này thì mới gọi là vốn nhà nước, còn tiền lời mà chi trả lại cho tổ chức chính trị – xã hội thì không thể gọi là vốn nhà nước.
Cái lý của bị cáo Thiện là vốn góp của Văn phòng Thành ủy không nằm trong sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ra đời năm 2014. Ông cũng nại ra rằng cho tới nay chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn luật này, nói rằng vốn góp vào kinh doanh của các tổ chức chính trị – xã hội là vốn nhà nước.
Tìm trong luật này, khái niệm vốn nhà nước lại không thấy đề cập. Theo đó, vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Một công ty luật diễn giải từ trước khi vụ án trên xảy ra, rằng tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung và từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp. Ngay cả khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức đó.
Nhưng một khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước giao cho các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp chỉ để quản lý và sử dụng thì không thuộc sở hữu của tổ chức đó, mà vẫn thuộc Nhà nước.
Từ vụ án nói trên, có thể thấy vốn của các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh không hề ít, nhất là mua cổ phiếu, dễ thấy nhất là các hiệp hội nghề nghiệp có tích lũy ít tiền đầu tư mua cổ phiếu hay hùn tiền đầu tư cùng các doanh nghiệp hội viên của hội, hiệp hội ngành hàng, đang đặt ra vấn đề pháp lý khi có tranh chấp, tiêu cực nảy sinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận