Với nền kinh tế gia công, nhập siêu trở lại là điều có thể xảy ra
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhận định, dù đã xuất siêu 4 năm liên tiếp, song với một nền kinh tế gia công như Việt Nam, những lo lắng về tình trạng nhập siêu trở lại trong năm 2020 là hoàn toàn bình thường.
Trong suốt năm 2018 và năm 2019, xu hướng chung là tăng trưởng XK của DN nội địa luôn cao hơn khối DN FDI. Điều này được Bộ Công Thương liên tục đánh giá là điểm sáng trong “bức tranh” XK hàng hóa của Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?
Từ khi FDI vào Việt Nam, họ đã hình thành khối kinh tế rất lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khối DN FDI trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong ngành công nghiệp, XK hàng hóa nói riêng. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của khối DN FDI không ngừng gia tăng liên tục nhiều năm cho đến năm 2017. Năm 2017, tỷ trọng này đạt con số đỉnh điểm là hơn 72%. Trong nhiều năm, tăng trưởng XK của khối DN FDI luôn cao hơn so với khối DN nội địa. Những năm gần đây khi Việt Nam bắt đầu xuất siêu, chủ yếu cũng do DN FDI xuất siêu lớn.
Năm 2018, xu hướng khá tốt là DN nội địa bắt đầu vươn lên, đạt tốc độ tăng trưởng XK cao hơn DN FDI. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng XK của DN nội địa đạt 2 con số, gần 14% trong 11 tháng năm 2019, trong khi DN FDI chỉ tăng trưởng 3%. Về tỷ trọng của DN nội địa, dù tốc độ tăng không nhanh nhưng bắt đầu tăng dần trở lại. Năm 2018, tỷ trọng của DN nội địa khoảng 29-30% và năm 2019 tăng lên 31%, DN FDI giảm xuống còn 69%. Tuy nhiên, những dấu hiệu đáng mừng nêu trên cũng chỉ mới diễn ra 2 năm, chưa thể khẳng định bền vững hay không.
Phải nói thêm rằng, DN nội địa hiện nay vẫn nhập siêu. Tăng trưởng XK cao nhưng NK vẫn rất lớn vì nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công. Đặc biệt, DN nội chưa sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Vì vậy, tăng được XK thì cái giá phải trả là nhập siêu rất lớn. Năm 2019, cả nước xuất siêu cao vẫn do DN FDI xuất siêu khoảng 30 tỷ USD, còn DN nội địa nhập siêu hơn 20 tỷ USD. Đây là khía cạnh đáng lo ngại. Trước đây, DN FDI áp đảo cả tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng và xuất siêu. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của DN FDI kém hơn DN nội địa, tỷ trọng giảm đi nhưng DN DN FDI vẫn xuất siêu lớn còn DN nội vẫn nhập siêu. Đây là điều cần phải lưu tâm, tập trung tạo thuận lợi hơn nữa cho DN nội địa.
Tăng trưởng XK năm 2019 không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Điều này đã thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu hàng XK của Việt Nam hay là biểu hiện nhất thời khi XK nông, lâm, thủy sản đối mặt chất chồng khó khăn trong năm qua, thưa ông?
Năm 2019 XK nông, lâm, thủy sản giảm mạnh, cơ bản là bởi Việt Nam XK nhiều sang thị trường Trung Quốc. Các nông sản như gạo, cao su, rau quả… XK sang Trung Quốc là chính. Khi Trung Quốc siết chặt chính sách NK tiểu ngạch, nông sản Việt ngay lập tức gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quan trọng là hàng nông sản XK không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên năm 2019 càng giảm mạnh.
Tuy nhiên trên thực tế xu hướng giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản trong XK đã diễn ra từ lâu. Trước đây khi Việt Nam mới bắt đầu mở cửa XK, hầu như nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng tuyệt đối, chủ yếu là XK gạo, cà phê. Dần dần khi nền kinh tế phát triển, hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên thì tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản XK giảm.
Từ khoảng 10 năm trước trở lại đây, tỷ trọng XK nông, lâm, thủy sản trong XK đã giảm liên tục. Năm 2019, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 10%, bên cạnh đó tỷ trọng mặt hàng khai khoáng dầu thô cũng giảm. Hiện nay, 2 lĩnh vực đó chiếm tỷ trọng chưa đến 20% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm trên 80%. Quá trình chuyển dịch này là tất yếu. Nền sản xuất chuyển dần sang công nghiệp nhưng điểm chưa ổn ở đây là công nghiệp Việt Nam lại chủ yếu dựa vào khối DN FDI và lắp ráp là chính.
Việt Nam liên tiếp xuất siêu 4 năm. Tuy nhiên, trong mục tiêu năm 2020, Bộ Công Thương vẫn đặt ra con số tỷ lệ nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch XK. Theo ông, điều này có phải là quá thận trọng?
Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam hoàn toàn nhập siêu. Đỉnh điểm năm 2008, Việt Nam nhập siêu tới gần 20 tỷ USD. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu (trừ năm 2015). Tuy nhiên, năm nào Bộ Công Thương cũng thận trọng đưa ra chỉ tiêu nhập siêu dưới 3% XK. Đó là bởi nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công. Việt Nam nhập mọi nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành như giày dép, dệt may… Tuy nói nông nghiệp xuất siêu nhưng nông nghiệp Việt Nam cũng nhập siêu giống, phân bón, máy móc… Nếu tính hết thì chưa chắc nông nghiệp Việt đã xuất siêu. Một điểm nữa là cho đến nay, DN nội vẫn luôn nhập siêu lớn.
Ông có thể chia sẻ thêm về những giải pháp giúp XK của Việt Nam tăng trưởng bền vững, xuất siêu ổn định trong thời gian tới?
Giải pháp mấu chốt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của hàng XK, nâng cao năng lực của DN Việt Nam. Muốn vậy phải tái cơ cấu nền sản xuất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ... Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa lợi thế từ các FTA để thúc đẩy XK. Bởi thực tế, Việt Nam đã ký kết khá nhiều FTA, song tận dụng lại chưa được nhiều…
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận