Với 1 tỷ đồng có mua được đất ở thành phố Hà Tĩnh?
Cơn “sốt” đất đã giảm, giới đầu tư cho rằng đây là “thời cơ vàng” cho những người cần mua đát, mua nhà để ở tại TP. Hà Tĩnh.
"Thời điểm vàng"… nhưng khó có giá rẻ
Theo giới chuyên gia bất động sản (BĐS) đánh giá, thời điểm sau Tết, giá bất động sản tại Hà Tĩnh cũng “ăn theo” thị trường chung cả nước theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tăng nhưng chưa phải tăng theo giá trị đầu tư thật mà chủ yếu do những nhà đầu cơ, lướt sóng và trong đó có chiêu trò “thổi giá” của nhà đầu tư phối hợp với “cò đất”.
Thời điểm này, ở Hà Tĩnh cơn “sốt” đất cũng không dấy lên và có chiều hướng nằm bất động. Các nhóm đầu cơ đất trước đây “ôm" đất nay gặp khó khăn cũng đưa ra nhiều chính sách mời chào nhằm bán đất nhưng… khó bán được.
Nguyên nhân, do người cần mua đất phần vì nguồn năng lực tài chính hạn hẹp hoặc im lặng chờ giá đất chạm “đáy” mới tính mua. Còn giới đầu cơ chưa chấp nhận lỗ giá để bán vì lúc mua vào giá khá cao.
Thêm nữa, từ thời điểm từ sau Tết nguyên đán đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá cả vật liệu xây dựng đang leo thang, kéo theo nhu cầu mua đất làm nhà của người dân gặp khó khăn khiến thị trường BĐS tại Hà Tĩnh cũng yên ắng...
Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS ở Hà Tĩnh, thời điểm hiện nay là thời cơ “vàng” để mua đất. Tuy nhiên, với giá đất ở thành phố Hà Tĩnh hiện nay nếu những người có nguồn tài chính gần 1 tỷ đồng (chưa vay ngân hàng) thì cũng khó mua được một lô đất ưng ý làm nhà ở.
Phân tích nguyên nhân này, chị Nguyễn Ngọc Nga một chuyên gia BĐS ở Hà Tĩnh cho rằng, việc định giá đất ban đầu tại địa bàn Hà Tĩnh nói chung và khu vực TP. Hà Tĩnh nói riêng thời gian qua vẫn chưa thực sự sát với thực tế. Các cấp thầm quyền định giá đất để đưa ra giá khởi điểm cho từng lô đất ở các khu dân cư vẫn còn khá cao so với thực tế nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay. Việc áp giá này khiến lúc đấu giá đất tại các khu dân cư cao nên khó bán hoặc đẩy giá thị trường leo thang.
“Việc này kéo theo một số hệ luỵ khác là tạo đầu cơ cho một nhóm ôm đất để bán và cũng khiến giá đất ở các vùng xung quanh tăng theo. Thế nên nếu có nguồn tài chính gần 1 tỷ đồng, thời điểm này cũng khó mua được một lô đất ở ưng ý ở vùng nội thành thành phố Hà Tĩnh”, chị Nga cho biết.
Một cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh thông tin, mặc dù quá trình đưa ra đấu giá đất tại các khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Tĩnh được giao cho các công ty đấu giá triển khai các đợt đấu giá có lô đấu vượt khung nhưng cũng có lô chưa thể đấu giá do mức giá vẫn còn khá cao.
Việc áp giá khởi điểm cho các lô đất ở các khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Tĩnh vừa qua được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt để đấu giá nên người dân các khu vực xung quanh cũng lấy giá đó để làm cơ sở bán đất. Hiện nay, mặc dù cơn “sốt” đất đã hạ nhiệt nhưng giá đất thì khó có thể giảm nên với số tiền gần 1 tỷ đồng muốn mua được một lô đất để làm nhà ở ưng ý ở TP. Hà Tĩnh là rất khó.
Theo tìm hiểu của PV Nhadautu.vn, thời gian vừa qua trên địa bàn nội TP. Hà Tĩnh và các huyện ven TP. Hà Tĩnh đã có có nhiều khu dân cư được đưa ra bán đấu giá với giá khởi điểm khá cao khiến người mua đất “chóng mặt”.
Đơn cử, trung bình 1 lô đất với diện tích 150m2 tại khu dân cư thôn Tân Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh được đưa ra đấu có giá khởi điểm 1,6 tỷ đồng; lô đất thuộc Khu dân cư vùng Đồng Láng, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài diện tích gần 285m2 đưa ra giá đấu khởi điểm 3,1 tỷ đồng; Khu dân cư tổ 6, phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh có diện tích 255m có giá khởi điểm hơn 3,6 tỷ đồng…
Khi đấu giá, người muốn mua được một lô đất tại các khu dân cư này ít cũng phải qua một bước giá và có những lô phải hơn 29 bước giá nên số tiền khoảng 1 tỷ đồng thì cũng chỉ đủ điều kiện để mua được đất.
“Từ ra tết đến nay, mặc dù cơn sốt đất có giảm và các địa phương chưa triển khai đấu giá nhưng mặt bằng chung cũng khó có khả năng giảm so với mức giá trước đó”, một cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh khảng định.
Nên đầu tư vào lĩnh vực nào khi có 1 tỷ đồng?
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giá cả thị trường nhiều mặt hàng có xu hướng “leo thang”, nhiều người đang có một số tiền dư giả đang băn khoăn nên đầu tư vào lĩnh vực nào cho có hiệu quả.
Anh Nguyễn Xuân Dũng, ở phường Nam Hà, TP. Hà Tĩnh làm nghề kinh doanh hàng tạp hoá thu nhập trung bình mỗi tháng 25 - 35 triệu đồng. Tích lũy sau 5 - 7 năm, vợ chồng anh Dũng đã có thể sở hữu một khoản nhàn rỗi từ 350 - 500 triệu đồng.
Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá cả thị trường chiều hướng leo thang và đã có chổ ở ổn định, vợ chồng anh Dũng chọn phương án dùng số tiền này về một số huyện ven thành phố mua đất làm vốn.
"Cơn sốt đất ở Hà Tĩnh cũng không còn nữa, nguồn tài chính dưới 1 tỷ đồng thì không thể mua được một miếng đất ưng ý trong nội thành thành phố nên mình chọn mua một miếng đất vùng ven sau không bán thì để ở. Với 1 tỷ đồng, mua đất vùng ven thời điểm này sẽ sinh lời", anh Dũng nói.
Khác với anh Dũng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam, làm nghề giáo viên tại TP. Hà Tĩnh có thu nhập bình quân hai vợ mỗi tháng 20 - đến 30 triệu đồng. Sau 3-5 năm vợ chồng có một khoản tiền nhàn rỗi khoảng 300 triệu đồng.
Kỳ nghỉ hè này, vợ chồng anh dự tính dành số tiền này để mua một mảnh đất trong thành phố. Sau đó, chờ giá lên sẽ bán kiếm lời. Tuy nhiên, số tiền này khó mua được một mảnh đất trong TP. Hà Tĩnh nên vợ chồng anh Nam chọn phương án dùng toàn bộ số tiền dành dụm được đem gửi ngân hàng để hưởng lãi suất.
Vậy thời điểm hiện nay, nếu có nguồn tài chính khoảng 1 tỷ đồng thì nên đầu tư vào đâu? Ông Nguyễn Văn Mùi, một chuyên gia kinh tế ở Hà Tĩnh phân tích, hiện giá đất không còn sốt nên nếu có tiền dư giả thì có thể mua một lô đất vùng ven thành phố hoặc gửi ngân hàng là hướng đầu tư hợp lý.
Theo ông Mùi, mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng có phần xuống thấp nên gửi tiết kiệm có vẻ không còn hấp dẫn nhưng đây vẫn là một cách đầu tư an toàn.
"Đây là kênh an toàn dành cho ba nhóm người. Thứ nhất, người chưa có kế hoạch đầu tư thì có thể gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất. Thứ hai, người không có khả năng đầu tư và số tiền không đủ đầu tư. Thứ ba, người có nhiều tiền, từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng", ông Mùi nói.
Ông Mùi cho rằng, người có tài sản vài trăm triệu đồng, lãi suất không đáng kể. Nhưng với những người có vài chục tỷ đồng trở lên, mức lãi suất từ 7-8%/năm mà rủi ro gần như bằng 0. Trong khi các kênh khác, ví dụ như mua bất động sản tăng mỗi năm 3-4%, trừ khi mua căn hộ rồi đem cho thuê thì mỗi năm kiếm thêm 3-4% nữa nhưng cũng có rủi ro không cho thuê được do dịch bệnh, mua trúng dự án ảo, dự án bị nợ xấu... Do đó, mặc dù lãi suất ngân hàng đang xuống nhưng với ba đối tượng vừa nói trên thì vẫn nên chọn kênh ngân hàng.
"Đầu tư bất động sản là kênh sáng nếu nơi đó có hạ tầng tốt, giá không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ, những giấy tờ pháp lý phải công khai minh bạch. Nhưng chỉ dành cho nhà đầu tư có kinh nghiệm, hết sức chuyên nghiệp, có dòng tiền tốt và không phải vay tiền ngân hàng. Số đông còn lại thì vẫn nên quan sát, không nên nghe theo “cò đất” mà “xuống tiền” sẽ rất nguy hiểm", ông Mùi khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận