Vỡ mộng vì mua chung cư 'tự phong cao cấp'
Chi 3 tỷ mua nhà, chị Thủy thất vọng vì dự án được chủ đầu tư định vị "cao cấp" nhưng thiếu tiện ích, bãi rác sát vách.
Đầu năm 2021, chị Thu Thủy, 39 tuổi, quận Nam Từ Liêm, đã chi khoảng 3 tỷ đồng để mua căn hộ hơn 70 m2 (khoảng 42 triệu đồng mỗi m2) tại dự án 25 tầng trên đường Hồ Mễ Trì.
Chị kể khi mua được quảng cáo là "dự án cao cấp", sở hữu tiện ích khách sạn 5 sao như bể bơi 4 mùa trong nhà và ngoài trời, trường mầm non, siêu thị, nhà sinh hoạt cộng đồng. Chị mua ngay lần mở bán đầu tiên, kỳ vọng khi dự án hoàn thành, gia đình sẽ có không gian sống chất lượng hơn sau nhiều năm ở nhà tập thể.
Tuy nhiên, mới vào ở nhà mới được ba tháng, cửa ban công và cửa sổ luôn đóng chặt để tránh mùi ô nhiễm từ bãi rác bên cạnh. Đây là bãi rác do chính chủ đầu tư này quản lý và khi chị tìm hiểu được hứa hẹn di dời nên mới xuống tiền mua.
"Có thể đợi tiện ích như siêu thị, trường mầm non hoạt động khi cư dân về đông đảo. Nhưng trong khuôn viên vốn đã hẹp, mùi từ bãi rác khiến gia đình tôi không thể đưa con xuống đi dạo, vui chơi. Với chất lượng sống như vậy, dự án không thể đạt tiêu chuẩn cao cấp như chủ đầu tư giới thiệu", chị Thủy nói.
Nỗi thất vọng khi mua căn hộ "cao cấp" không hiếm gặp tại các đô thị tập trung nhiều dự án như Hà Nội, TP HCM. Anh Hữu Hoàng, 36 tuổi, TP HCM chi gần 4 tỷ đồng để mua một căn hộ hai phòng ngủ, diện tích hơn 70 m2 (gần 50 triệu đồng mỗi m2) vào năm 2017. Căn nhà của anh nằm trong dự án có hai block 33 tầng ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Lúc mua, nhân viên môi giới và các đơn vị bán hàng quảng cáo với anh đây là "dự án phức hợp cao cấp, có trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, spa".
Sau hơn một năm vào ở, anh Hoàng cho biết vẫn chưa được bàn giao sổ hồng. Khối đế vắng bóng các tiện ích thương mại, kể cả cửa hàng tiện lợi. Vì dự án chậm bàn giao ba năm, bãi giữ xe đã xuất hiện tình trạng thấm nước, ẩm mốc, làm mất mỹ quan.
"Cố gắng làm ăn bao năm mới mua được căn nhà nhưng chất lượng khi ở thực tế không xứng đáng với số tiền bỏ ra", anh nói.
Trong khi các chung cư liên tục được rao bán trên thị trường với cụm từ "chung cư cao cấp", Báo cáo giám sát "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư" của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây chỉ ra, tính đến hết năm 2022, cả nước mới có 7 nhà chung cư được phân hạng. Còn lại đều không thực hiện phân hạng hoặc được công nhận phân hạng theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Theo cơ quan này, nhiều chủ đầu tư không thực hiện phân hạng theo quy định và chung cư đang được gọi cao cấp hầu hết là "tự phong". Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng không lý giải vì sao sau 9 năm thực hiện Luật Nhà ở, mới có 7 chung cư được phân hạng.
Thông tư 31/2016 của Bộ Xây dựng. Trong đó, 4 nhóm gồm quy hoạch - kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội và chất lượng, quản lý, vận hành. Thứ tự phân hạng theo các cấp A (cao nhất), B và C (thấp nhất). Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết họ và nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường tham khảo theo tiêu chí này khi xếp hạng chung cư. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư và cả người mua có xu hướng phân loại dự án theo giá bán. Theo bà, nếu chỉ dựa vào tiêu chí này, việc đánh giá tiêu chuẩn của chung cư cao cấp không đảm bảo tính toàn diện bởi giá hoàn toàn do chủ đầu tư quyết định.
Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết Bộ Xây dựng đã nêu tiêu chí phân loại cụ thể, song số lượng dự án căn hộ được phân hạng (7 dự án tính đến tháng 12/2022) không đáng kể so với nguồn cung mở bán trên thị trường. Vì vậy, tình trạng cư dân "vỡ mộng" diễn ra phổ biến khi mua căn hộ được chủ đầu tư tự định vị cao cấp.
Theo ông, người mua nhà đang ở thế bị động khi mua căn hộ hình thành trong tương lai vì thiếu quy định pháp lý ràng buộc việc chủ đầu tư cần thực hiện bàn giao đúng cam kết. "Ví dụ, bàn giao sổ hồng đúng tiến độ mà không ít chủ đầu tư không thực hiện. Do đó, cư dân thường lựa chọn phương tiện đấu tranh là căng băng rôn, tụ tập phản đối hoặc khiếu kiện", ông nói.
Ngoài những tiêu chí xếp loại chung cư đã quy định, bà Hằng đề xuất bổ sung điều kiện bàn giao hoàn thiện bên trong căn hộ. Đây là một tiêu chí khó áp dụng nhưng thực tế người mua rất quan tâm. Ví dụ khi mua căn hộ ở dự án hạng A, người mua còn nhìn vào các thương hiệu thiết bị gắn tường, thương hiệu thiết bị vệ sinh, bếp để đánh giá định vị cao cấp có xứng đáng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị tiêu chí phân loại dự án chung cư nên được xem xét định kỳ, cập nhật thêm các tiêu chí mới, phù hợp với sự thay đổi liên tục của thị trường và đảm bảo lợi ích cho người sử dụng. Ngoài ra, người mua trước khi xuống tiền cần nghiên cứu và đánh giá kỹ năng lực, uy tín của chủ đầu tư, bên cạnh các tiêu chí về vị trí, giá bán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận