menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Thảo

Vỡ mộng "đào Pi"

Không còn những lời hô hào, mời gọi tham gia mạng lưới Pi Network (Pi) hay đổ xô dự những sự kiện liên quan đến tiền ảo Pi, thành viên ở các hội nhóm đầu tư tiền ảo Pi kêu gọi nhà đầu tư loại tiền này xóa các ứng dụng liên quan trong thời gian gần đây.

Vỡ mộng "đào Pi"
Anh Tuấn vỡ mộng làm giàu từ việc đào Pi. Ảnh: Lương Hạnh

Bỏ ăn, uống để “đào Pi”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Nguyễn Tuấn Anh (Lào Cai) cho biết, mẹ của anh cũng trở thành nạn nhân trong dự án Pi Network. Anh Tuấn cho rằng, hình thức này như đa cấp, tận dụng lượt truy cập của người chơi để lấy tiền quảng cáo.

“Ngày nào mẹ tôi cũng tham gia vào, có hôm bỏ ăn, bỏ uống. Các con can ngăn đều không nghe, cho đến khi nhiều người bị lừa đăng bài do bán tài khoản, bà mới chợt tỉnh ngộ” - anh Tuấn Anh nói.

Được biết, mẹ anh Tuấn Anh là công nhân về hưu. Người già nhàn rỗi, ngoài việc chăm cháu, bà có một hội nhóm gồm nhiều ông bà trong xóm để trao đổi thông tin, trò chuyện. Một người trong nhóm chơi Pi Network đã chia sẻ cho nhiều người khác cùng chơi.

Theo anh Tuấn Anh, phần lớn những tài khoản trong hội nhóm Pi đều có quan hệ với nhau nhằm “tung hỏa mù” lừa người mới tham gia, khiến họ ảo tưởng loại tiền này đang giao dịch rất sôi động, tỉ suất lợi nhuận cao và sắp tới trở thành phương tiện thanh toán mua ôtô, mua bất động sản… để mua Pi của họ.

Một trường hợp khác là anh Vũ Anh Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu chơi tiền ảo Pi cuối năm 2023. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm, hằng ngày vào ứng dụng và trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt số Pi kiếm được, anh Tuấn đã xóa app.

Anh Tuấn cho biết, "đào" được hơn 1.200 Pi nhờ kích "biểu tượng tia sét" mỗi ngày. Đến tháng 7.2023, tài khoản của anh được chấp thuận xác thực danh tính và được các thành viên trong nhóm Zalo "Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư Pi" tiết lộ rằng, Pi Network sắp chạy mainnet (nơi thực hiện các giao dịch thực tế và lưu trữ chúng công khai trên blockchain), giá đồng Pi sẽ sớm vượt mức trên 9 triệu đồng.

Sau đó, một người trong nhóm Zalo này giới thiệu có người cần bán gấp số lượng Pi để trả nợ, giá chỉ 100.000-200.000 đồng/Pi, mua càng nhiều giá càng rẻ. Anh Tuấn quyết định bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua số Pi này và sau đó rao bán lại.

"Một tài khoản liên hệ hỏi mua số Pi của tôi với giá là 230.000 đồng/Pi. Họ chuyển cọc tôi 1 triệu đồng và yêu cầu tôi chia sẻ màn hình xác thực ví. Sau đó, tôi đã mất tất cả số Pi trong ví của tôi mất sạch, người mua này cũng đã chặn hết liên lạc với tôi" - anh Tuấn kể lại.

Vỡ mộng "đào Pi"
Không khó để tìm được hội nhóm trao đổi, mua - bán Pi trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo

Một chuyên gia trong lĩnh vực tiền số cho biết, hiện nay, Pi Network không nằm trên mạng lưới Blockchain (chuỗi khối), do đó Pi được sản sinh trên ứng dụng chỉ là con số tượng trưng, không có giá trị mua bán. Bất kỳ ai cũng có thể sở hữu Pi bằng cách đơn giản là cài ứng dụng Pi Network trên điện thoại, đăng nhập thông tin và kích "tia sét", tương tự trò chơi thông thường.

Đa số người chơi đều bắt đầu từ sự ảo tưởng và hy vọng rằng Pi sẽ trở thành tiền số Bitcoin thứ 2 nên bị lừa. Tới thời điểm hiện tại, Pi chưa thể mở mainnet - nơi thực hiện các giao dịch thực tế và lưu trữ chúng công khai trên blockchain. Thậm chí, nếu được mở mainnet, giá của loại tiền ảo này cũng khó tăng đột biến vì số Pi là vô hạn, không khan hiếm.

Nói về các thủ đoạn lừa đảo, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết khi đăng nhập vào app đào Pi, người dùng chắc chắn phải xác minh danh tính như họ tên, địa chỉ, số Căn cước công dân… Những thông tin cá nhân có thể được các đối tượng thu thập đem rao bán hoặc dùng cho những mục đích xấu. Không chỉ vậy, việc dùng Pi để trao đổi hàng hóa, dịch vụ còn tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như hứa hẹn đặt cọc, gắn link có chứa mã độc.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục cảnh báo tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, căn cứ theo những quy định trên thì tiền điện tử chưa phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả