VNPT trước thềm cổ phần hoá: 6 tháng lãi sau thuế hơn 2.840 tỷ đồng
VNPT có 4.270 mảnh đất trên 63 tỉnh, thành và hiện khâu phê duyệt cổ phần hoá chưa xong nên chưa thể xác định chi phí cổ phần hoá để thuê tư vấn.
Trong danh mục cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2019-2020, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là cái tên sáng giá nhất. Nhà nước dự kiến sẽ bán 35% cổ phần của VNPT và chỉ nắm giữ 65% cổ phần của Tập đoàn viễn thông có số vốn điều lệ 67.054 tỷ này. Một lượng vốn lớn được bán ra ngoài thị trường nhưng chắc chắn sẽ không khó tìm nhà đầu tư chiến lược cho VNPT, bởi đây là một trong số các Tổng công ty được chờ đợi IPO nhất trong suốt 10 năm qua.
Là Tập đoàn đặt nền móng phát triển thị trường viễn thông Việt Nam, sau 73 năm, tính đến thời điểm cuối năm 2018 tổng số thuê bao điện thoại của VNPT đạt trên 34 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động Vinaphone đạt 31,3 triệu thuê bao, còn lại là thuê bao cố định, số thuê bao Internet băng rộng đạt 5,2 triệu thuê bao.
Điểm mạnh của VNPT là hệ thống mạng lưới phủ khắp 63 tỉnh thành cả nước. Tổng công ty hiện có các công ty con như Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (Vinaphone), Tổng công ty truyền thông (VNPT - Media), công ty TNHH MTV Cáp quang, các đơn vị trực thuộc như Tổng công ty hạ tầng mạng (VNPT - Net), Công ty công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT).
Doanh thu hợp nhất của VNPT đi ngang trong 4 năm trở lại đây, quanh mức 51 - 52 nghìn tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp năm 2018 cải thiện đáng kể so với 2 năm trước đó, đạt trên 27%. Do đó mặc dù doanh thu đi ngang song lợi nhuận trước thuế và sau thuế của VNPT tăng vọt trong giai đoạn 2016-2018, năm 2018 đạt 6.447 tỷ đồng trước thuế, tăng 23% so với năm 2017 và tăng 54,3% so với năm 2016. Thu nhập lao động bình quân đạt 28 triệu đồng/người/tháng.
6 tháng đầu năm 2019, VNPT đạt 26.118 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ 2,4% cùng kỳ năm trước, doanh thu tài chính của Tập đoàn đạt hơn 1.320 tỷ đồng, tăng 22,9% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 2.840,8 tỷ, tăng 4,4%.
Tổng tài sản của Tập đoàn gần 93.550 tỷ, giảm gần 4.000 tỷ so với đầu năm do giảm nợ ngắn hạn và giảm tài sản cố định. VNPT hiện có 35.300 tỷ khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và hơn 2.400 tỷ tiền và các khoản tương đương tiền. Do VNPT không thuyết minh tài chính nên không rõ trong số 35.300 tỷ đầu tư tài chính có bao nhiêu phần là tiền gửi ngân hàng.
VNPT cho biết chính sách quản lý thị trường viễn thông của Bộ Thông tin và truyền thông năm 2018 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn như chính sách giảm khuyến mại dịch vụ di động giảm từ 50% xuống 20%, chính sách giảm cước kết nối áp dụng từ tháng 5/2018, chính sách chuyển đổi mã mạng hay chuyển mạng giữ số. Hiện nay VNPT đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng cáo khuyến mại cho dịch vụ chuyển mạng giữ số.
Mặc dù vậy, với Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (Vinaphone), doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty vẫn tăng mạnh trong 3 năm qua. Năm 2018 doanh thu của Vinaphone đạt 41.908 tỷ đồng, tăng 5,52%, LNTT đạt 1.558 tỷ đồng, tăng 18,66% so với năm 2017 và tăng 76,6% so với 2016. Vinaphone đặt mục tiêu doanh thu hàng năm giữ mức tăng trưởng bình quân trên 8%/năm và lợi nhuận tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%/năm.
Bệnh viên Bưu điện, đơn vị trực thuộc của VNPT, năm 2018 đã nhận sáp nhập bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện, doanh thu năm 2018 đạt 990 tỷ đồng tăng 19% so với năm 2017, lợi nhuận đạt xấp xỉ 48,4 tỷ đồng.
Đẩy mạnh Chính phủ điện tử
Tuy nhiên cũng giống như MobiFone, hiện nay xu hướng khách hàng chuyển hướng sang sử dụng các cuộc gọi OTT như Viber, Zalo, Skype, Facebook, do đó các nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản như gọi điện hay SMS đang ở thời kỳ suy thoái. Do đó VNPT cũng chuyển hướng đẩy mạnh phát triển 4G, 5G, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng cố định, đầu tư phát triển các dịch vụ cNTT, phân tích dữ liệu Big Data.
VNPT tập trung phát triển 3 mảng chính là phát triển công nghiệp liên quan đến các thiết bị đầu cuối do VNPT Technology thực hiện; các công ty sản xuất thiết bị vật tư, sản xuất công nghiệp sẽ được nhóm lại. Và cuối cùng là mảng dịch vụ tích hợp viễn thông, công nghệ thông tin.
Ngoài ra VNPT còn phát triển và xây dựng các phần mềm Chính phủ điện tử, hầu hết các cơ quan bộ ngành địa phương hiện nay đang sử dụng hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia do VNPT triển khai.
Đến nay, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53/63 UBND tỉnh, thành phố; triển khai các giải pháp chính quyền điện tử cho 60/63 tỉnh, thành phố, cung cấp phần mềm quản lý y tế cho hơn 7.200 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước), triển khai hệ thống quản lý giáo dục cho hơn 13.000 trường học với gần 4 triệu hồ sơ học sinh.
Kế hoạch IPO có bị chậm tiến độ?
VNPT chuẩn bị kế hoạch IPO từ năm 2016 và đến năm 2019 Tập đoàn này đặt kế hoạch sẽ IPO vào cuối năm. Tuy nhiên có vẻ như khả năng VNPT có thể cổ phần hóa trong năm 2019 là bất khả thi.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), đã từng chia sẻ khó khăn của VNPT trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất. VNPT có 4.270 mảnh đất trên 63 tỉnh, thành và hiện khâu phê duyệt cổ phần hóa chưa xong nên chưa thể xác định chi phí cổ phần hóa để thuê tư vấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận