VNG: Lỗ 310 tỷ đồng, rót hơn 1.000 tỷ mua công ty liên kết
VNG của "bang chủ" Lê Hồng Minh lỗ 310 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 354 tỷ đồng. Trong kỳ, VNG rót thêm 1.000 tỷ vào các công ty liên kết, tuy nhiên các công ty này lại mang về cho VNG khoản lỗ lũy kế lên tới 575 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần VNG của "bang chủ" Lê Hồng Minh vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với kết quả kém tích cực về hoạt động kinh doanh và đầu tư.
VNG báo lỗ 310 tỷ nửa đầu năm
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tương đương kỳ trước, hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cao hơn so với cùng kỳ, vì vậy lợi nhuận gộp của VNG quý II/2022 chỉ còn 885 tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ.
Trong kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính chỉ mang về 44 tỷ đồng, bằng 61% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng từ 5,8 tỷ lên 7,5 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý II/2022 của VNG
Một nguyên nhân khác "ăn" vào lợi nhuận của VNG trong kỳ đến từ hoạt động đầu tư vào các công ty liên kết. Theo đó, lỗ trong công ty liên kết, VNG ghi nhận trong quý này tăng vọt 7,8 lần cùng kỳ.
Nguồn thu suy giảm trong khi đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG đều "đội" lên khoảng 1,4 lần, lần lượt là 746 tỷ đồng và 354 tỷ đồng.
Kết quả, từ lãi 325 tỷ trong quý II/2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNG bất ngờ âm 225 tỷ đồng trong quý II/2022. "Ôm" thêm khoản lỗ khác lên tới 6 tỷ đồng, VNG báo lỗ 232 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 334 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNG lỗ gần 310 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 354 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh lỗ 312 tỷ đồng.
Được biết năm 2022, VNG đặt mục tiêu doanh thu dự kiến 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế dự kiến 993 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, công ty đạt 36% kế hoạch doanh thu năm, và lỗ sau thuế ½ so với dự kiến.
Tuy nhiên, khoản lỗ lớn nhất vẫn đến từ cổ đông không kiểm soát (228 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm). Điều này được nhận định là có thể do khoản đầu tư vào Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Hiện VNG đang nắm giữ hơn 65% cổ phần của Zion.
Trong một diễn biến liên quan, kể từ ngày 1/8, ứng dụng nhắn tin qua internet tại Việt Nam (OTT) Zalo, đã bắt đầu tính gói thuê bao với người dùng và cắt giảm một số tính năng của bản miễn phí... Nguồn thu này sẽ tác động thế nào tới bức tranh lợi nhuận đang "bết bát" của "công ty mẹ' VNG trong những tháng cuối năm?
Tiền mặt "bốc hơi" nghìn tỷ, VNG "ôm" 575 tỷ đồng lỗ lũy kế từ công ty liên kết
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VNG sụt giảm từ 9.237 tỷ đồng xuống còn 8.817 tỷ đồng, chủ yếu là do tiền mặt "bốc hơi". Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giả 400 tỷ, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm mạnh hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm đã "ăn mòn" vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG, từ 6.634 tỷ đồng kỳ trước xuống còn 6.007 tỷ tính đến 30/6/2022. Theo đó, vốn chủ sở hữu cũng sụt giảm từ 6.324 tỷ đồng xuống còn 5.827 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý II/2022 của VNG
Soi khoản đầu tư vào các công ty liên kết của VNG cho thấy, VNG đang ôm lỗ lũy kế từ 6 công ty liên kết tính đến hết quý II/2022. Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị "ăn mòn" toàn bộ bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng với số tiền đầu tư (trên 510 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp còn lại, phần lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6 dao động từ 5,6 tỷ đồng đến 32 tỷ đồng. Tổng cộng, lỗ lũy kế từ công ty liên kết VNG đang gánh tại thời điểm cuối quý II/2022 là 575,3 tỷ đồng.
Cũng vì vậy, dù trong kỳ đã rót thêm gần 1.088 tỷ đồng mua 2 công ty liên kết là Telio và Funding, nâng tổng giá trị đầu tư lên 1.878 tỷ đồng, nhưng giá trị khoản đầu tư đến cuối kỳ của VNG tại các công ty liên kết cũng chỉ còn lại 1.300 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận