VNDirect: Nhóm vận tải xăng dầu được hưởng lợi theo đà tăng giá cước
Khủng hoảng Nga - Ukraine đang tái định hình dòng chảy năng lượng toàn cầu, khiến các tuyến đường vận tải dài hơn, và tạo áp lực lên thị trường thị trường vận tải dầu khí toàn cầu.
Tại báo cáo ngành dầu khí mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng giá cước tàu chở dầu và nhiên liệu sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới do các lệnh cấm vận sắp có hiệu lực của EU đối với Nga. Từ đó, nhóm vận tải xăng dầu sẽ được hưởng lợi.
Kỳ vọng giá cước tàu chở dầu sẽ tăng trong thời gian tới
Khủng hoảng Nga - Ukraine đang tái định hình dòng chảy dầu thô toàn cầu. Để đáp lại việc Nga tấn công Ukraine, EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga. Theo lệnh trừng phạt mới nhất, hầu hết nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ qua đường biển từ Nga vào EU sẽ bị cấm từ cuối năm 2022. Do đó, EU phải chuyển sang các nguồn cung dầu khác, đặc biệt là từ Mỹ và Trung Đông, khiến dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu bị đảo lộn.
Theo ước tính của Bloomberg, lượng dầu từ Trung Đông đến châu Âu trong tháng 7 đã cao hơn 90% so với tháng 1. Ở chiều ngược lại, Nga đang chuyển hướng xuất khẩu sang các khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đáng chú ý, với việc là một nguồn thay thế khả thi cho khí trong sản xuất điện, các chuyên gia cho rằng nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tăng tốc trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, việc chuyển hướng của dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến các chuyến đi dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu xăng dầu toàn cầu.
Trích dẫn số liệu từ Clarksons Research, lợi nhuận trung bình của một tàu chở nhiên liệu trong 2 tuần (tính đến ngày 8/8) đã tăng lên 400.000 USD - mức cao nhất kể từ năm 1997. Nhìn chung, VNDirect cho rằng giá cước tàu chở dầu sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới, mang lại lợi ích cho các đơn vị vận tải dầu khí.
VNDirect kỳ vọng giá cước tàu chở xăng dầu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới dầu thô của Nga đã chuyển hướng đến các khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ sau khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine xảy ra, tái định hình lại dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Do EU cấm dầu và nhiên liệu của Nga, nhu cầu đối với cả tàu chở dầu thô và nhiên liệu đều đã tăng lên do dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu thay đổi.
Đối với thị trường vận tải dầu thô, Clarsons Research ước tính nhu cầu vận tải dầu thô sẽ tăng nhẹ trong hai năm tới do việc tái định hình lại các tuyến đường vận chuyển dầu thô. Trong khi đó, nguồn cung tàu chở dầu thô dự kiến sẽ tăng khiêm tốn, tạo điều kiện thuận lợi cho giá cước thuê tàu chở dầu thô.
Nhóm vận tải xăng dầu được hưởng lợi theo đà tăng giá cước
Đối với thị trường vận tải xăng dầu thành phẩm (nhiên liệu), lĩnh vực này dường như có triển vọng tốt hơn do các tuyến đường vận chuyển dài hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu phục hồi sau đại dịch. Các tuyến đường vận chuyển dài hơn sẽ làm giảm khối lượng nhiên liệu có thể vận chuyển, có khả năng gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường tàu chở xăng dầu thành phẩm.
Do tăng trưởng đội tàu chở nhiên liệu ở mức tương đối thấp so với nhu cầu đang gia tăng, VNDirect kỳ vọng thu nhập của đội tàu chở xăng dầu thành phẩm sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Đáng chú ý, khi tình hình căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ cho EU. Theo đó, nhóm phân tích cho rằng nhu cầu dầu diesel của châu Âu có khả năng sẽ gia tăng trước một mùa đông khó khăn sắp tới nhờ vào tính ứng dụng cao của dầu diesel trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện (để thay thế khí đốt trong phát điện). Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tàu chở xăng dầu thành phẩm, gia tăng tính cạnh tranh lên đội tàu chở nhiên liệu với số lượng vốn đã có hạn.
Đối với ngành vận tải dầu khí tại Việt Nam, doanh nghiệp có mức độ tham gia vào thị trường quốc tế cao như PVTrans (PVT) sẽ là đơn vị được hưởng lợi chính từ đà tăng giá cước tàu chở dầu và nhiên liệu. Hiện 80% đội tàu của PVTrans đang hoạt động trên các tuyến quốc tế và hầu hết được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn mà VNDirect cho rằng sẽ được gia hạn với giá cước cao hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Gas Shipping (GSP) và PV Trans Pacific (PVP) cũng đang vận hành các tàu chở dầu thô và nhiên liệu trên thị trường quốc tế.
Theo VNDirect, nhu cầu dầu thô và nhiên liệu toàn cầu cao hơn dự kiến và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kéo dài khiến giá cước tàu chở xăng dầu tăng. Rủi ro giảm giá là nhu cầu toàn cầu thấp hơn dự kiến do suy thoái kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận