VND mất giá gần 5% có đáng lo?
Sau đợt tăng mạnh, tỷ giá đã hạ nhiệt khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng nhiều biện pháp, nhưng tính chung giai đoạn 6 tháng đầu năm, VND vẫn mất giá gần 5%...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mức mất giá của VND giai đoạn 6 tháng đầu năm khoảng 4,4%, trong khi nhiều quốc gia ở ngưỡng 7-11%.
Như vậy, mức mất giá của VND gần ngang bằng mức trượt giá được dự báo cho cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong thời gian qua. Nhưng nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá đã bớt căng thẳng.
Trong một báo cáo tư vấn chính sách “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Think Future công bố, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu.
VEPR dẫn các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá đến lạm phát. Theo đó, cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%.
“Lạm phát những tháng đầu năm đang có xu hướng nhích lên. Tháng 3 tăng 3,9%, tháng 4, CPI đã tăng lên 4,4%. Vì vậy, thận trọng với tỷ giá là không thừa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024”, nhóm nghiên cứu của VEPR nêu.
KBSV dự báo tỷ giá sẽ ổn định trở lại và mức tăng cả năm ở mức 3,5%.
Như vậy, nếu theo nghiên cứu này, với mức mất giá 4,4% hiện nay, lạm phát sẽ tăng thêm khoảng 1,4%, chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, tại họp báo triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được tổ chức mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá: “Mức mất giá của VND trong 6 tháng đầu năm là mức hợp lý. Chúng ta không thể căng cứng hay cố định tỷ giá trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động”.
Ông Tú phân tích, giá trị nhập khẩu của Việt Nam lên đến 178 tỷ USD và cần lượng ngoại tệ rất lớn.
Vì vậy, giải pháp trung hòa để tạo điều kiện cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu là vấn đề lớn. Thứ hai là giải quyết được sự đồng bộ giữa chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất, đảm bảo kiểm soát lạm phát trên cơ sở điều hành tỷ giá, đảm bảo cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Thực tế, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp cần thiết, như động thái bán ngoại tệ từ ngày 19/4 để giữ tỷ giá ở mức hợp lý, tạo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, đảm bảo tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, nhà điều hành cũng đã nhiều lần hút tiền VND về thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu trên thị trường mở.
Trong báo cáo cập nhật tỷ giá mới công bố, Chứng khoán KBSV dự báo tỷ giá sẽ ổn định trở lại và mức tăng cả năm ở mức 3,5%, tương ứng đạt 25.120 VND/USD. NHNN sẽ không cần thiết phải tăng lãi suất điều hành, lãi suất OMO, tín phiếu.
Cụ thể, các chuyên gia này phân tích, thị trường kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh việc hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất 95,3%, và có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay. Theo đó, giai đoạn áp lực nhất của tỷ giá đã qua.
Bước sang quý III, tỷ giá có thể còn có các biến động trồi sụt do nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp dự báo vẫn ở mức cao, trước khi xu hướng hạ nhiệt sẽ rõ ràng hơn trong quý IV nhờ kỳ vọng nguồn ngoại tệ sẽ cải thiện khi mà xuất khẩu được đẩy mạnh, kiều hối đổ về song song với dòng tiền FDI.
Do tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định hơn và xuống dưới ngưỡng bán ra, NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc điều tiết thanh khoản trên thị trường mở và giữ nền lãi suất quanh 4-5% để hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất.
"Biện pháp bán ngoại tệ có thể vẫn sẽ được áp dụng tuỳ thời điểm, tuy nhiên khối lượng bán được kỳ vọng là tương đối nhỏ. Việc tăng lãi suất điều hành, hay tăng lãi suất OMO, tín phiếu được dự báo sẽ không xảy ra", KBSV kỳ vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận