VND mất giá chưa đến 3%, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện trở lại
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết VND mất giá chưa đến 3%, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện trở lại… nhờ sự kết hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa điều hành lãi suất, tỷ giá và điều tiết tiền tệ phù hợp với những diễn biến tình hình thực tế.
Dẫn nguồn từ Thời Báo Ngân Hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Lạm phát thế giới đã giảm song còn ở mức cao khiến nhiều NHTW trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng đô la Mỹ, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu…là những yếu tố tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù có sự cải thiện nhờ điều hành quyết liệt của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng. Dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 tác động lớn tới thanh khoản, tâm lý thị trường, khiến các TCTD thận trọng hơn trong việc quản trị và cân đối nguồn vốn tín dụng.
Theo Thống đốc, tất cả những yếu tố nêu trên tạo thách thức vô cùng lớn đối với việc điều hành của Chính phủ, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cửa cao, tăng trưởng kinh tế nhiều năm dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời nhận định tình hình đề ra các chủ trương, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết thúc năm 2023, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% (tuy thấp hơn mục tiêu nhưng là mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực), lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tạo động lực bền vững trong thời gian tới.
Đối với ngành Ngân hàng, Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm và cả năm 2023, NHNN đã ứng phó với sự chắc chắn, chủ động và linh hoạt với diễn biến tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động và về cơ bản đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sự chắc chắn, chủ động, linh hoạt của chính sách tiền tệ năm 2023 thể hiện qua việc NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), ổn định tỷ giá, VND mất giá chưa đến 3%, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện trở lại… nhờ sự kết hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa điều hành lãi suất, tỷ giá và điều tiết tiền tệ phù hợp với những diễn biến tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, và dự báo sức ép lạm phát không lớn, NHNN đã chủ động điều hành, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,05%. Cụ thể, mặc dù mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao nhưng NHNN đã mạnh dạn 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, duy trì thanh khoản dồi dào để hỗ trợ các TCTD giảm lãi suất cho vay, đưa mặt bằng lãi suất cho vay mới trở về mức trước dịch Covid 19, giảm khoảng hơn 2% so với cuối năm 2022.
Đồng thời, NHNN cũng điều hành tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, NHNN ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn. Ban hành Thông tư 03, Thông tư 06 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển thị trường TPDN, thị trường bất động sản.... Tổ chức hàng 460 chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trên toàn quốc. Kết quả, đến hết năm 2023 tín dụng tăng khoảng 13,5%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm 2022. “Cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng, đây là một thành công đáng được nghi nhận và là kết quả của sự quan tâm, sự vào của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và sự tổ chức điều hành bình tĩnh và bản lĩnh của NHNN”, Thống đốc chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận