VN-Index vượt đỉnh, chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới tuần qua
Trong khi một số thị trường châu Á giảm 2-4%, chứng khoán Việt Nam ngược dòng với sắc xanh áp đảo, trở thành chỉ số tăng điểm nhiều nhất tuần qua. Khối ngoại cũng có tới 3 phiên mua ròng.
Tuần vượt đỉnh, ngược dòng trước kỳ vọng các gói hỗ trợ kinh tế
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch tích cực khi chỉ số bứt phá khỏi mức đỉnh lịch sử hồi tháng 7/2021. Dù nhịp tăng đang chậm lại ở phiên thứ Sáu, VN-Index - chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam tăng 3,96% (hơn 55 điểm) trong tuần, trở thành sàn chứng khoán tăng tích cực nhất trong tuần cuối tháng 10.
Trong khi VN-Index liên tục xô đổ các kỷ lục và đóng cửa ở mức 1.444,27 điểm, HNX-Index tăng 5,34% (20,91 điểm) qua đó cũng xác lập kỷ lục mới khi kết tuần ở mức 412,12 điểm. Chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 5% lên 105,38 điểm.
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất tuần qua và trong top 10 chỉ số tăng mạnh nhất tháng/quý- Nguồn: StockQ
Tuần giao dịch cuối tháng 10 là tuần cuối thực hiện đảo danh mục quý IV cho các quỹ ETF dựa trên bộ chỉ số HOSE-Index, VNX-Index cùng các chỉ số đầu tư bao gồm VNDiamond, VNFin Lead và VNFIN Select. Phiên ATC chiều thứ Sáu đã chứng kiến biến động mạnh tại một số cổ phiếu được ETF giao dịch nhiều tuy nhiên không ảnh hưởng lớn tới vận động của thị trường.
Đây cũng là cao điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh khi hạn chót công bố báo cáo tài chính các doanh nghiệp trên sàn sẽ đến vào ngày 30/10. Không ít doanh nghiệp lớn báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực đóng vai trò dẫn dắt chỉ số tuần qua. Cổ phiếu Vinhomes đã bứt phá mạnh phiên 29/10 sau khi doanh nghiệp thông báo khoản lãi ròng quý III gần 11.200 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2020.
Tâm lý lạc quan của thị trường còn đến từ kỳ vọng về hoạt động khôi phục kinh tế sau giãn cách. Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh sản xuất công nghiệp trọng điểm đã khôi phục sản xuất dù vẫn chưa hoạt động đạt mức công suất trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Các gói hỗ trợ kinh tế cũng đang được bàn thảo trong nghị trường Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp chiều 29/10 khẳng định giải pháp đã được bàn kỹ và cho biết đã đề nghị Chính phủ thiết kế từng gói và quản lý từng gói kích thích kinh tế để bảo đảm có hiệu quả. Việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách sẽ giúp khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển sẽ tăng được thu ngân sách, đồng thời cùng với giảm chi ngân sách thì sẽ kéo giảm được bội chi.
Ngoài ra, ngay từ đầu tuần, Bộ Tài chính đề nghị SCIC triển khai thoái vốn năm 2021, tập trung ở 3 cổ phiếu là BVH (Tập đoàn Bảo Việt), BMI (Tổng CTCP Bảo Minh) và NTP (CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong). Câu chuyện riêng này cũng thúc giá 3 cổ phiếu trên sàn, trong đó NTP tăng 14,8%; BMI tăng hơn 10% và BVH tăng 7,3%.
Trên sàn HoSE, VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index tuần qua (hơn 8,7 điểm), kế đến là GAS, VIC, VCB, MSN. Ở chiều ngược lại, top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực lần lượt là TCB, HVN, PDR, DGC và EIB nhưng số điểm giảm không quá lớn.
Còn tại sàn HNX, nhóm xây dựng - bất động sản cũng đóng góp tích cực vào đà tăng chỉ số. Cổ phiếu của Idico (IDC) tăng gần 18% tuần qua và là cổ phiếu dẫn dắt đà tăng tuần này của HNX-Index. SCG, THD, L14, IDJ đều nằm trong top 10 tác động tích cực lên chỉ số. Giá cổ phiếu L14 hay CIG tăng 40% trong tuần.
Dòng cổ phiếu bất động sản tiếp tục giao dịch tích cực tuần này. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn khá lình xinh. Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng không còn ghi nhận mức tăng trưởng cao do dồn lực nhiều hơn vào chi phí trích lập dự phòng.
Dòng tiền “sợ bỏ lỡ” ồ ạt tham gia, khối ngoại không ngoài cuộc
Cú bật mạnh của VN-Index xuất hiện ở tuần này sau thời gian tích luỹ quanh vùng 1.380 - 1.400 điểm kéo dài hơn 2 tuần. Thanh khoản thị trường phiên vượt đỉnh 27/10 đã tăng vọt và tiếp tục giữ được mức cao ở cả hai phiên sau. Chỉ tính riêng trên sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.314,28 tỷ đồng/phiên, tăng 19,23% so với tuần trước. Giá trị giao dịch trên sàn HNX còn tăng hơn 32% lên 3.518 tỷ đồng mỗi phiên.
Khối ngoại cũng không đứng ngoài cuộc. Dù bán ròng trên ba sàn hơn 1.230 tỷ đồng phiên đầu tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại ở ba phiên cuối. Tính chung cả tuần, khối ngoại giải ngân 330 tỷ đồng mua thêm cổ phiếu Việt Nam, chấm dứt chuỗi 11 tuần liên tiếp ròng rã bán của các nhà đầu tư ngoại.
Trong đó, HPG - cổ phiếu mà khối ngoại mạnh tay chốt lời các tuần trước lại trở thành cổ phiếu được săn đón nhiều nhất. Giá trị mua ròng hơn 342 tỷ đồng. Hàng chục cổ phiếu khác được mua ròng trên trăm tỷ đồng như GAS, STB, VHM, CTG. DXG, MSN… Ở chiều ngược lại, NLG liên tục bị khối ngoại chốt lời tại vùng giá cao kỷ lục hiện tại với tổng cộng hơn 625 tỷ đồng thu về trong tuần qua. Một số cổ phiếu khác bị bán ròng mạnh như VJC (440 tỷ đồng), PAN (271 tỷ đồng), VRE (246 tỷ đồng) và VNM (103 tỷ đồng).
Dòng tiền giao dịch rất sôi động trong những phiên gần đây khi thanh khoản ở sát mốc 1,5 tỷ USD. Theo đánh giá của bộ phân phân tích VDSC, dù nhịp tăng đang chậm lại trong phiên thứ Sáu xu hướng tăng của VN-Index nhìn chung chưa có tín hiệu thay đổi. VDSC cho rằng VN-Index dự kiến có động thái thăm dò trong phiên giao dịch tiếp theo trước khi có tín hiệu cụ thể hơn, đồng thời, kiến nghị nhà đầu tư nên chậm lại và quan sát thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận