VN-Index vươn lên mức cao mới trong phiên 25/6, NVL và PDR tiếp tục bứt phá
Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch tích cực khi VN-Index tăng lên mức cao mới. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có sự phân hóa mạnh, tuy nhiên, một số cổ phiếu như PDR hay NVL vẫn giữ được sự tích cực.
Thị trường chứng khoán phiên 25/6 biến động theo chiều hướng tích cực và VN-Index tiếp tục vươn lên những mức cao mới, chỉ số VN30 còn vượt qua mốc 1.500 điểm và tiến gần đến đỉnh hôm 4/6.
Thị trường mở cửa phiên với tâm lý thận trọng nên biến động của các chỉ số đều trong biên độ hẹp. Diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu của VN-Index và HNX-Index đều là giằng co rung lắc ở suốt phiên sáng. Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, biến động trên thị trường trở nên tích cực hơn. Lực cầu dâng cao ở nhiều cổ phiếu và giúp VN-Index và HNX-Index bật tăng mạnh.
Các cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm của thị trường phiên 25/6, trong đó, các mã như SSI, EVS, HBS, HCM, FTS... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SBS tăng 8,4%, BVS tăng 6,6%, MBS tăng 5,8%, BSI tăng 5,6%, VND tăng 5,4%...
Các cổ phiếu lớn khác như HDB, VCS, PVS, VCB, TCB hay VNM... cũng giao dịch theo chiều hướng tích cực và giúp củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, VCS tăng 6,5% lên 110.000 đồng/cp. VCS mới công bố ước doanh thu thuần quý II đạt 1.793 tỷ đồng; tăng 59%; lãi trước thuế 528 tỷ đồng, tăng 73,2%; lãi sau thuế 448 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng, VCS ước doanh thu 3.368 tỷ đồng, lãi sau thuế 819 tỷ đồng; lần lượt tăng 32% và 46% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, áp lực trên thị trường là vẫn còn và đến từ các cổ phiếu như VIB, PNJ, VPB, MWG hay MSN. Đáng chú ý, VGI giảm sâu 3% xuống 32.600 đồng/cp và là nhân tố chủ chốt gây áp lực lớn nhất khiến UPCoM-Index giảm điểm. Các mã khác gây áp lực đến chỉ số này còn có MCH, VSF, SJG hay MSR.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL và PDR tiếp tục là điểm sáng. Trong đó, NVL tăng 3,6% lên 119.100 đồng/cp và khớp lệnh 3,5 triệu cổ phiếu còn PDR tăng 6,7% lên 95.000 đồng/cp. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản lớn có những biến động phân hóa. VIC và VHM đều đứng giá tham chiếu. Sáng 25/6, VHM tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 trong đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 24% so với thực hiện năm trước. Về kế hoạch chia cổ tức năm 2020, HĐQT trình cổ đông tỷ lệ 45%, bao gồm 15% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến công ty phát hành 986,8 triệu cổ phần để trả cổ tức tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ sau phát hành vào khoảng 43.363 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý III - IV năm nay.
Ngoài ra, THD tăng nhẹ 0,3% lên 200.000 đồng/cp còn VRE giảm 1,2% xuống 31.600 đồng/cp.
Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ cũng có sự biến động phân hóa, trong đó, nhiều mã vẫn tăng giá tốt như trường hợp của TNT khi tăng trần lên 9.410 đồng/cp, SJS tăng 3,9% lên 58.000 đồng/cp, SCR tăng 3,7% lên 11.150 đồng/cp, KDH tăng 2,5% lên 37.100 đồng/cp.
Chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ thanh khoản cao giảm giá, trong đó, IDJ giảm 3,2%, TDH giảm 1,4%, BII giảm 1,4%, CII giảm 1,3%.
DXG giảm 0,2% xuống 24.150 đồng/cp. Nhóm Dragon Capital thông báo mua hơn 2,7 triệu của phiếu DXG vào ngày 24/6. Giao dịch khiến tổng sở hữu cả nhóm tăng lên gần 74,5 triệu cổ phiếu, tương đương 14,4% vốn. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 15/6 và 17/6, nhóm quỹ ngoại cũng đã thực hiện mua gần 4,5 triệu đơn vị để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 13,14% sau khi bán hơn 19,5 triệu cổ phiếu trong nhiều ngày trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,4 điểm (0,75%) lên 1.390,12 điểm. Toàn sàn có 223 mã tăng, 147 mã giảm và 65 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,14 điểm (1%) lên 318,22 điểm. Toàn sàn có 120 mã tăng, 87 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%) xuống 89,48 điểm.
Thanh khoản thị trường nhỉnh hơn phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.700 tỷ đồng. FLC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 27,4 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, FLC đứng giá tham chiếu 13.950 đồng/cp.
Khối ngoại mua ròng khoảng 91 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán phiên 25/6, trong đó, VHM, VIC, KDH và PDR là các mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại. VHM được dòng vốn này mua ròng mạnh nhất với 86 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HDC là mã bất động sản duy nhất bị khối ngoại bán ròng mạnh với 21,8 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 10,4 điểm (0,8%) lên 1.390,12 điểm; HNX-Index giảm 0,51 điểm (0,2%) xuống 318,22 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục suy giảm so với tuần trước với trung bình khoảng 23.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 13,1% xuống 103.788 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 11,4% xuống 3,4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 31,2% xuống 14.851 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25,8% xuống 645 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, thị trường tăng điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với mức tăng (0,9%) suy giảm so với tuần trước (1,9%). Đồng thời thanh khoản cũng có tuần suy giảm thứ hai liên tiếp, rất may là vẫn trên mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền vẫn chưa rút khỏi thị trường mà chỉ là có sự thận trọng nhất định. Trên góc nhìn kỹ thuật, kháng cự mạnh của sóng tăng 5 của VN-Index sẽ là quanh ngưỡng 1.400 điểm. Tuy nhiên, do thanh khoản suy giảm phiên thứ năm liên tiếp và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh và thị trường có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào khi áp lực bán là đủ mạnh. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 28/6 - 2/7, thị trường có khả năng sẽ nhích dần lên ngưỡng 1.400 điểm và rung lắc mạnh quanh ngưỡng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận