VN-Index trong nhóm thị trường có tỷ suất sinh lợi hàng đầu thế giới
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cập nhật ngày 13/10, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, với ROE hiện tại của VN-Index khoảng 15,4%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi trong nhóm cao hàng đầu thế giới.
Ước tính của ACBS cho thấy P/E dự phóng của VN-Index là 10,9 dựa trên mức tăng trưởng thu nhập ước tính là 20,4% cho năm 2022.
ROE hiện tại của VN-Index (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE) khoảng 15,4%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi trong nhóm cao hàng đầu thế giới.
Với mức tăng EPS (lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết) dự kiến của ACBS là 20,4% cho năm 2022, tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020-2022 của VN-Index sẽ đạt khoảng 17,9%, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực.
Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 10,9, thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường ngang hàng.
Trong ngắn hạn, ACBS cho rằng thị trường sẽ còn biến động mạnh và tâm lý bi quan vẫn tồn tại khi tình trạng bất ổn vĩ mô toàn cầu tiếp tục chi phối tâm trí nhà đầu tư. Việc lấy lại xu hướng tăng mạnh của thị trường sẽ là một thách thức trừ khi có một chất xúc tác mạnh.
Trong kịch bản cơ sở, với EPS tăng trưởng 20,4% vào cuối năm 2022 nhờ các ngành ngân hàng, vận tải, bất động sản và tiện ích, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể khởi sắc trong quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên để đạt được mức định giá trung bình ba năm gần đây khoảng 15,5 lần sẽ là một thách thức. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ giao dịch trong phạm vi tương ứng với các giai đoạn lãi suất tăng, quanh mức 1.250 điểm.
Ở kịch bản lạc quan, ACBS kỳ vọng chỉ số đạt mức 1.300-1.400 điểm. Điều này dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên thế giới, kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài chính tiền tệ của Việt Nam giúp cho thu nhập doanh nghiệp vượt kỳ vọng.
Tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào cuối năm khi các vấn đề thế giới và trong nước được giải quyết hoặc có dấu hiệu đáng kể cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, năm 2022 sắp kết thúc, kịch bản này có vẻ khó xảy ra do tâm lý nhà đầu tư vẫn bi quan trong khi không có nhiều chất xúc tác cho một sự thay đổi đáng kể.
Trong kịch bản bi quan, sự bất ổn tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu với những lo ngại về lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương trên thế giới “diều hâu” hơn, lo ngại ngày càng tăng về suy thoái toàn cầu và sự suy thoái ở Trung Quốc tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này sẽ dẫn đến thu nhập của các doanh nghiệp giảm so với kỳ vọng. Trong kịch bản này, chỉ số sẽ chật vật để tăng điểm vào cuối năm và khả năng kết thúc năm quanh mốc 1.000 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận