menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tiến Thành

VN-Index gần như đi ngang trong tuần cận Tết

Ngoại trừ giảm khoảng 15 điểm phiên 31/1, thị trường chứng khoán trong tuần về cơ bản vẫn giữ xu thế giao dịch giằng co. Thị trường rung lắc nhẹ, ngay cả trong phiên các ETF tái cơ cấu danh mục mà VN-Index gần như đi ngang. Thanh khoản thị trường tăng khá tốt trong tuần, nhưng chủ yếu là nhờ tăng đột biến phiên 31/1 và phiên ETF tái cơ cấu danh mục.

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục trải qua một tuần diễn biến giằng co, rung lắc nhẹ và kết tuần không thay đổi nhiều về mặt điểm số so với tuần kế trước. Thị trường có biến động nhưng không quá lớn khi VN-Index gần như đi ngang khi đóng cửa. Tâm lý không quá thận trọng dù Tết đã cận kề. Thanh khoản bình quân phiên nhìn chung tăng khá tốt, song chưa cho thấy sự ổn định.

Theo đó, chỉ số VN-Index tuần qua chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự quanh 1.185 điểm. Biến động lớn nhất trong tuần là phiên giao dịch chịu áp lực điều chỉnh giảm hơn 15 điểm của VN-Index với thanh khoản đột biến hơn 1 tỷ USD vào ngày 31/1. Chỉ số VN-Index sau đó phục hồi tốt trở lại ở vùng giá 1.160 điểm với nhiều mã vẫn vượt vùng giá đỉnh gần nhất.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index ở mức 1.172,55 điểm, giảm -0,27% so với tuần trước. Chỉ số HNX-Index kết tuần ở mức 230,56 điểm tăng +0,49% so với tuần trước; chỉ số UPCoM-Index cũng tăng +0,8%, để đóng cửa tại 88,37 điểm.

Trong tuần, nhóm ngành ngân hàng không còn giữ vị trí dẫn dắt nâng đỡ thị trường mà giảm điểm diện rộng gây áp lực lớn lên chỉ số chung. Điểm tích cực là dòng tiền tuy rút khỏi nhóm ngân hàng nhưng đã có sự lan tỏa sang các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản và khu công nghiệp nên nhìn chung tâm lý nhà đầu tư vẫn khá tích cực.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến, nhất là trong phiên giao dịch ngày 31/1/2024. Các cổ phiếu ngân hàng đóng cửa phân hóa khá mạnh, trong khi: SHB (-7,29%), EIB (-5,38%), NVB (-5,31%), VPB (-4,81%)... giảm mạnh; trong khi đó cũng có những mã tăng tốt như: VAB (+5,71%), HDB (+4,93%), LPB (+2,01%)...

Trong khi đó, dòng tiền ngắn hạn vẫn luân chuyển khá tốt trong thị trường khi nhiều mã, nhóm mã vẫn tăng giá vượt trội trong tuần, thanh khoản gia tăng mạnh, vượt các vùng giá đỉnh cũ. Nổi bật nhất ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, cao su với SNZ (+22,74%), GVR (14,69%), DTD (+12,85%), LHG (+10,89%), PHR (+10,06%)... Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến nổi bật, tuy nhiên mức độ phân hóa mạnh hơn với các mã tăng giá tốt như: MBS (+8,13%), FTS (+8,11%), CTS (+7,57%), AGR (+3,61%)...; trong khi đó, các mã giảm điểm TCI (-4,81%), TVB (-3,19%), CSI (-3,14%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến phân hóa tích cực, nổi bật như: PXL (+23,53%), IJC (+6,60%),TCH (+5,81%),VPI (+5,42%)...

Tổng thanh khoản thị trường chứng khoán tuần qua tăng khá tốt trong tuần qua. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt 19.720 tỷ đồng/phiên, tăng +20,2% so với tuần trước.

Thanh khoản trên cả 3 sàn đều tăng tốt trong tuần. Cụ thể, trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt 86.459 tỷ đồng, tăng +17,7%; trên HNX đạt 6.659 tỷ đồng, tăng +21,8 % so với tuần trước đó.

Dòng tiền trên thị trường tuần qua thể hiện mức độ phân hóa mạnh và dòng tiền ngắn hạn vẫn có tín hiệu xoay vòng tích cực, luân chuyển ở từng nhóm mã với nhiều mã vẫn tăng giá vượt trội trong thời gian công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có một tuần giao dịch khá tích cực khi gia tăng giá trị mua ròng và nối dài tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp trên toàn thị trường. Cụ thể, trong tuần, khối ngoại đã mua ròng 1.315 tỷ đồng; nâng lũy kế mua ròng kể từ đầu năm của khối ngoại lên mức 1.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nếu tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại vẫn bán ròng 21.806 tỷ đồng.

Dù là tuần cận Tết Nguyên đán nhưng thị trường chứng khoán tuần qua nhận được khá nhiều thông tin tích cực. Trên quốc tế, thị trường đón nhận thông tin Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất (5,25% - 5,5%) lần thứ 5 liên tiếp, phát đi tín hiệu đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Ở trong nước, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) đã lấy lại trên mốc 50 điểm (tháng 1/2024: 50,3 điểm) sau 4 tháng dưới mốc 50 điểm trước đó. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước; tăng 3,37% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 2,72%.

Thị trường tuần tới chỉ còn giao dịch 3 phiên nữa là nghỉ Tết. Vì thời gian ít, tâm lý nghỉ ngơi có thể sẽ xuất hiện, đồng thời, thông tin kinh tế vĩ mô quan trọng được chờ đợi cũng không nhiều, khiến thị trường trong nước được dự báo sẽ giằng co, đi ngang và tích lũy cho giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết.

Nhìn ở góc nhìn trung hạn, mặc dù thách thức vẫn còn phía trước nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang là điểm sáng. Lãi suất đang ở nền thấp và còn có thể giảm thêm. Kết quả kinh doanh quý IV/2023 đã công bố với con số tích cực và đang tạo kỳ vọng sẽ còn tốt hơn trong năm 2024. Thị trường chứng khoán đang cho thấy nỗ lực lớn từ Chính phủ và cơ quan quản lý trong vấn đề nâng hạng thị trường; cũng như tăng chất lượng cho thị trường; thu hút vốn ngoại... Đây là cơ hội cho thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết.

Đánh giá trong ngắn hạn, SSI Research cho rằng, VN-Index một lần nữa lùi lại khi kiểm định vùng kháng cự 1.174 - 1.175 điểm không thành công. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn ở vùng trung tính và thể hiện sức mạnh xu hướng suy giảm. Qua đó, chỉ số VN-Index có thể tiếp diễn nhịp điều chỉnh trong biên độ hẹp 1.164 - 1.172 điểm.

Theo các chuyên gia của SHS, trong ngắn hạn VN-Index vẫn ở nhịp tăng nhưng xu hướng kiểm tra lại vùng hỗ trợ vẫn chưa kết thúc .Về trung hạn VN-Index đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và kỳ vọng thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150 - 1.250 điểm.

Thị trường gần như đi ngang và nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có cơ hội giải ngân trong các phiên tới với kỳ vọng VNIndex sẽ tiệm cận 1.200 điểm. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, vì thế hoàn toàn có thể giải ngân với quan điểm mua tích lũy dần vì thời điểm hình thành “uptrend” mới sẽ còn khá dài./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại