VN-Index chạm mốc 1.200 điểm: Cú bật mong manh
VN-Index chỉ vượt nhẹ mốc tâm lý 1.200 điểm trong phiên 18/3 khiến nhiều nhà đầu tư chưa vội vui mừng, đặc biệt khi thanh khoản giảm trở lại trong phiên này và diễn biến thụt lùi khỏi mốc điểm trên trong phiên kế tiếp, cũng là phiên cuối tuần qua đã cho thấy sự “phấp phỏng” đó là có lý do.
Dạo qua các diễn đàn chứng khoán và theo hầu hết các phản hồi trực tuyến gửi về Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư đều khá thận trọng trong bối cảnh hạn chế kỹ thuật của sàn HOSE vẫn còn rối như mớ bòng bong.
Theo logic mà nhiều thành viên thị trường kỳ vọng trước đây, chỉ cần vượt ngưỡng cản 1.200 điểm, thị trường sẽ bước vào sóng 5 với mức tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nay niềm tin đã mai một khi thị trường hiện tại rất khó để thúc đẩy đà bứt phá vì chốt chặn 14.000-15.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch.
Nhìn sang các chỉ số khác, mốc 1.200 điểm có thực sự đáng để quá “lệ thuộc” như hiện tại? Vào năm 2018, khi VN-Index đạt 1.204 điểm, HNX-Index dưới 100 điểm, nay VN-Index chưa phá được kỷ lục của năm 2018, HNX-Index đã tăng gấp 3 lần; Down Jones vào năm 2018 đạt chưa tới 23.000 điểm, nay vượt 33.000 điểm…
Có thể kể ra rất nhiều ví dụ tương tự!
Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế gia tăng mạnh mẽ, nhưng các chỉ số chứng khoán chưa phản ánh được sự chuyển biến tích cực này. Và nếu nói trực diện hơn, ở Việt Nam, thị trường chứng khoán chưa xứng đáng là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Trong khi đó, đây là một trong những chỉ số để nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào khi tiếp cận nền kinh tế Việt Nam, cần phải chỉ ra gốc rễ của những nút thắt để giải quyết một cách căn cơ và triệt để.
Thực tế, những nút thắt này đang mang lại những hậu quả nhãn tiền khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó gọi được vốn nước ngoài, khó huy động được vốn nhàn rỗi trong dân để đưa vào đầu tư, sản xuất, mở mang quy mô doanh nghiệp; các đợt thoái vốn nhà nước không tối đa hóa được giá trị mang về.
Có nhiều năm quan sát nền kinh tế thế giới và Việt Nam, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại Chính phủ Pháp nhận xét, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất thấp so với mặt bằng chung trên thế giới và điều này dẫn tới một nguy cơ lớn là khả năng thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ mua và trả giá cho tới khi nào các cổ đông Việt Nam chấp nhận bán ra.
Trở lại với VN-Index, giả sử hệ thống trên HOSE hoạt động trơn tru, dòng tiền không bị cản trở giao dịch, nhà đầu tư có thể giao dịch trọn phiên, thì một phân tích của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, chỉ số đã vượt 1.400 điểm kể từ cuối tháng 1/2021 tới nay, trong mối tương quan với diễn biến hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index.
Tiền bị nghẽn trên HOSE có chảy mạnh sang HNX và UPCoM không? Không dễ, do đặc thù thanh khoản trên UPCoM và HNX không cao, chuẩn niêm yết thấp nên chỉ có ít cổ phiếu có giao dịch trung bình từ 500.000 cổ phiếu/phiên, lại bị hạn chế về tỷ lệ margin, nên chỉ có sự dịch chuyển nhẹ dòng vốn sang hai sàn và rất hạn chế trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Nhà đầu tư tổ chức và tự doanh công ty chứng khoán, vốn phải tuân thủ khá chặt chẽ các nguyên tắc đầu tư, do vậy rất khó dịch chuyển danh mục sang HNX và UPCoM.
"Cứu cánh" và sức bền cho thị trường trong những tuần qua nằm trong tay các nhà đầu tư cá nhân, khi dữ liệu cho thấy họ đã mua ròng liên tục 22 phiên với quy mô gần 5.000 tỷ đồng mỗi tuần.
Cắt nghĩa và phản ánh đậm nét hành động của khối nhà đầu tư cá nhân trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán mong rằng, những điểm nghẽn trên thị trường cần được tập trung xử lý để nhà đầu tư cá nhân yên tâm bỏ vốn vào thị trường chứng khoán, để thị trường sớm phản ánh đúng xu hướng vận động tích cực của kinh tế đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận