menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồ Anh Tài

VKS nêu căn cứ ông Đinh La Thăng hậu thuẫn Út 'Trọc'

VKS nêu căn cứ ông Đinh La Thăng hậu thuẫn Út 'Trọc'

Trước việc cựu bộ trưởng Đinh La Thăng phủ nhận quen thân và hậu thuẫn Út "Trọc" mua được quyền thu phí cao tốc Trung Lương, VKS đưa ra hàng loạt căn cứ.

Vụ án sai phạm trong đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương do cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng)... thực hiện đã được TAND TP HCM (HM:HCM) xét xử đến ngày thứ 6, đang ở phần tranh tụng giữa VKSND TP HCM và các bị cáo, luật sư.

Ông Thăng bị cáo buộc đã "phớt lờ" các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, thuộc Bộ GTVT, quản lý cao tốc) tạo điều kiện cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí với giá 2.004 tỷ đồng. Sai phạm của cựu bộ trưởng và các cấp dưới đã giúp Hệ khi thu phí chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, ông Thăng nhiều lần căng thẳng khi phủ nhận quen biết Hệ, không gọi điện tác động cấp dưới để doanh nghiệp của ông này trúng đấu giá, đã giao nhiệm vụ cho thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nên không có trách nhiệm với thiệt hại của vụ án. Cựu thượng tá quân đội cũng khẳng định không quen biết Bộ trưởng GTVT trước khi tham gia đấu giá, không nhờ vả ông Thăng.

Tranh luận lại, VKS cho biết trong hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Thăng biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí, có mối quan hệ giữa hành vi cố ý làm trái của nhóm bị cáo thuộc Bộ GTVT với hành vi chiếm đoạt tài sản của Hệ. Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Hệ mới có cơ hội chiếm đoạt được tài sản của Nhà nước.

Đại diện VKS dẫn chứng những bút lục, lời khai của các bị cáo và người liên quan để chứng minh mối quan hệ giữa ông Thăng và Hệ. Cụ thể, ông Thăng từng khai quen biết Hệ vào năm 2012-2013, sau đó có một số lần Hệ lên gặp Bộ trưởng tại văn phòng của Bộ GTVT.

Khi biết Hệ làm ở Công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng, ông Thăng và Hệ đã nhiều lần điện thoại liên lạc. VKS dẫn lại lời khai của các nguyên thư ký và thư ký của ông Thăng. "Tất cả đều khẳng định nhìn thấy Hệ nhiều lần đến văn phòng của ông Thăng để làm việc, riêng nguyên thư ký Nguyễn Xuân Ảnh khai ông Thăng cho biết Hệ là người quen thân của một người trong Bộ Quốc phòng", đại diện VKS cho biết.

Ngoài ra, nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng khai thấy Hệ nhiều lần lên phòng làm việc của ông Thăng và nhiều người khác trong Bộ GTVT đều biết mối quan hệ giữa hai người.

VKS cũng cho rằng, quá trình điều tra, Dương Tuấn Minh khẳng định ông Thăng gọi điện cho mình để giới thiệu Hệ tiếp cận các dự án của Tổng công ty Cửu Long. Cơ quan điều tra đã trích xuất các cuộc gọi này. "Tất cả lời khai là cơ sở xác định bị cáo Đinh La Thăng đã giới thiệu Hệ tiếp xúc với Minh tham gia dự án của Công ty Cửu Long, trong đó có dự án chuyển giao quyền thu phí cao tốc Trung Lương", đại diện VKS nêu quan điểm.

Tuy nhiên, về lời khai của Minh, khi đối chất tại toà, ông Thăng cho rằng trước đó Minh nói không được Bộ trưởng chỉ đạo, tác động. "Đến khi có danh sách điện thoại cơ quan điều tra cho xem thì Minh mới đổi lời khai, vì tháng 4 không có cuộc gọi nào cả. Tôi xin lỗi anh Minh, tôi không có ý gì xúc phạm anh nhưng thực tiễn như vậy nên tôi xin diễn giải ra. Hơn nữa, văn bản 217 (của Thủ tướng) tôi không được nhận nên tôi không gọi cho anh Minh".

Còn luật sư của ông Thăng cho rằng, lời khai của Minh là hoàn toàn không đúng sự thật, thiếu hợp lý về mặt thời gian. Minh khai gọi cho ông Thăng vào chủ nhật nhưng trích suất cuộc gọi thì không có. Ngoài ra, các lời khai khác của ông Minh cũng không hề nói ông Thăng tác động mình như thế nào.

Tại toà, ông Thăng khai không biết quá trình thực hiện đề án bán quyền thu phí, chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một văn bản thành lập Hội đồng đấu giá và một bút phê vào tờ trình của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng GTVT). Đối với các văn bản cấp dưới báo cáo, ông Thăng cho là "không phải cứ bộ trưởng là hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả văn bản".

Theo VKS, hồ sơ vụ án có tài liệu chứng minh ông Thăng biết rõ các vấn đề liên quan đề án. Cụ thể, trong giai đoạn chuyển giao quyền thu phí có 11 văn bản mà nơi nhận là Bộ trưởng Đinh La Thăng. Giai đoạn Công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng, ông Thăng nhận được văn bản do các ông Dương Tuấn Minh, Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Thể ký gửi, trong đó có một tờ trình ông Thể gửi xin ý kiến ông Thăng về việc chấm dứt hợp đồng trước hạn với Công ty Yên Khánh do vi phạm thanh toán tiền.

Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố ông Thăng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và phải chịu trách nhiệm chính. Nếu không có hành vi sai phạm của ông Thăng và các bị cáo khác thì Hệ không có cơ hội chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Đối với Đinh Ngọc Hệ, VKS cho rằng bị cáo Hệ đã chỉ đạo các cấp dưới làm giả hồ sơ tài chính của Công ty Yên Khánh để tham gia đấu giá. Việc này thể hiện chủ đích gian dối của Hệ ngay từ đầu. Các luật sư cho rằng hợp đồng giữa Tổng công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh là hợp đồng đúng quy định, đã được thanh toán, lời ăn lỗ chịu "là nhầm lẫn về khái niệm và không có căn cứ".

Theo Viện, Hệ có sự gian dối xuyên suốt cả quá trình nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Sau khi trúng đấu giá, Hệ đã cùng đồng phạm sử dụng công nghệ cao nhằm làm giảm doanh thu thực tế. "Nếu không làm giả hồ sơ, không gian dối, không có mối quan hệ nhất định thì doanh nghiệp này có thể trúng thầu được không? Chắc chắn là không", công tố viên lập luận.

Đại diện VKS cũng bác bỏ quan điểm của Hệ và các luật sư cho rằng 725 tỷ đồng, nếu có thất thoát, thuộc sở hữu của bị cáo bởi Công ty Yên Khánh đã mua quyền thu phí cao tốc và đã thanh toán hết tiền cho Bộ GTVT trước đó.

Theo VKS, Điều 197, 198 BLDS 2005 quy định, tài sản công, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là tài sản Nhà nước, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Các khoản thu phí từ công trình này là nguồn thu ngân sách nên Nhà nước có quyền chủ sở hữu đối với doanh thu cho dù đã chuyển giao quyền thu phí cao tốc trong 5 năm cho Công ty Yên Khánh (từ 1/1/2014 đến 1/1/2019). Hợp đồng bán quyền thu phí giữa Tổng công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh không bao gồm việc chuyển giao quyền sở hữu Nhà nước nên Công ty Yên Khánh chỉ có nghĩa vụ tổ chức thu phí theo đúng quy định.

Trước đó, trong ngày làm việc thứ 5, VKS khẳng định truy tố các bị cáo đúng pháp luật, đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng mức án 10-11 năm tù; nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường 5-6 năm tù cùng về tội Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Với vai trò đồng phạm, bị cáo Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT) và Lê Trung Cường (chuyên viên) bị đề nghị 3-4 năm tù; Dương Tuấn Minh và Dương Thị Trâm Anh 5-6 năm tù; Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu - Tổng công ty Cửu Long) 3-4 năm.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; buộc bồi thường toàn bộ 725 tỷ đồng chiếm đoạt của nhà nước và 3 tỷ đồng trong vụ mua căn biệt thự Công ty Licogi 13.

12 người bị cáo buộc đồng phạm của Hệ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị đề nghị mức án 2-8 năm tù.

Ngoài vụ án này, Đinh Ngọc Hệ đang phải thi hành 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) cho hai bản án của Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2004, chủ đầu tư là Bộ GTVT với số vốn gần 10.000 tỷ đồng.

Công ty Yên Khánh là doanh nghiệp dân doanh đầu tiên tại Việt Nam nắm quyền thu phí có thời hạn một tuyến cao tốc.

Ông Thăng đang thụ án 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.

Ngày mai, 21/12, phiên toà tiếp tục với phần tranh tụng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại