VKS: 'Hầu hết tài sản của Trương Mỹ Lan hình thành trong thời gian phạm tội'
Theo VKS, bà Trương Mỹ Lan không "mất hết tài sản của gia tộc", chỉ có 60 trong số 1.169 tài sản bị kê biên là hình thành trước thời điểm hợp nhất SCB, còn lại có được trong thời gian phạm tội.
Ngày 1/4, đại diện VKS lần lượt đưa ra 8 vấn đề đối đáp lại phần bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các luật sư. Cơ quan công tố dành phần lớn thời gian nêu ra các căn cứ, tài liệu; trích dẫn lời khai của người thân, nhân viên thân tín của bà Lan... để dẫn chứng căn cứ buộc tội và bác bỏ toàn bộ quan điểm cho rằng bị cáo đã đưa nhiều tài sản vào SCB "khiến cả gia tộc mất hết tài sản" khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, tự bào chữa, bà Lan nói không chiếm đoạt tiền của SCB mà chỉ đưa tài sản gồm nhiều dự bán bất động sản lớn vào cho SCB mượn, thậm chí phải vay mượn tiền của người thân, bạn bè từ nước ngoài để giúp SCB tái cơ cấu; các cơ quan tố tụng không chứng minh được bị cáo sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để mua nhiều dự án, bất động sản...
Đại diện VKS tại phiên tòa kéo dài gần 2 tháng. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo VKS, quá trình điều tra Bộ Công an đã kê biên 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan. Các tài sản này bà Lan thừa nhận là của mình, hoặc nhờ, thuê người đứng tên giao cho Đặng Phương Hoài Tâm (cựu phó chánh Văn phòng HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo khác theo dõi. Trong số 1.169 tài sản chỉ có khoảng 60 tài sản được bà Lan mua trước năm 2012, còn lại 1.109 tài sản (chiếm 94,8% tài sản kê biên) được hình thành trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. "Bị cáo dùng các thủ đoạn gian dối vừa hợp thức việc rút tiền vừa che giấu hành vi phạm tội", VKS nhận định.
VKS cũng đưa ra nhiều chứng cứ, bác bỏ quan điểm về việc mượn 9 sổ tiết kiệm trị giá 1.040 tỷ đồng của Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) đứng tên và mượn tài sản của gia đình, bạn bè nước ngoài để đưa vào SCB cơ cấu khoản vay. Thực tế khoản tiền từ 9 cuốn sổ tiết kiệm là nguồn tiền được rút ra từ SCB, từ các khoản vay khống do bà Lan chỉ đạo.
Cơ quan công tố sau đó đã trích dẫn lời khai của Nhã về việc đang ở Mỹ thì bà Lan gọi điện nhờ về nước ký một số giấy tờ đứng tên sổ tiết kiệm. VKS cũng đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh số tiền này trùng khớp với một khoản vay trước đó tại SCB.
Về việc bà Lan cho rằng đã dùng tiền từ bạn bè ở nước ngoài chuyển về cho SCB mượn, VKS xác định có số tiền 545 triệu USD (tương đương 12.450 tỷ đồng) do Công ty An Đông nhận dưới hình thức vay của đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi nhận, Công ty An Đông đã bán ngoại tệ và chuyển tiền lòng vòng, sử dụng cho 3 mục đích: tất toán khoản vay của Công ty Cổ phần đầu tư Đại Thiên Cát 1.052,8 tỷ đồng; trả nợ gốc cho 26 khoản vay khách hàng cá nhân được đảm bảo bằng tài sản là tòa nhà Windsor Plaza của Công ty An Đông là 9.663,6 tỷ đồng; rút tiền mặt 1.040,8 tỷ đồng mang về nhà cho Trương Mỹ Lan.
Tuy nhiên, sau khi dùng phần lớn số tiền trên vào việc giải chấp các tài sản đảm bảo cho các khoản vay, bà Lan đã chỉ đạo tiếp tục sử dụng các tài sản được giải chấp này làm tài sản đảm bảo cho khoản vay mới 5.000 tỷ đồng tại SCB và đang được xác định là thiệt hại trong vụ án. "Như vậy, số tiền nhận từ nước ngoài nói trên là SCB thu nợ cho khoản 5.517 tỷ đồng", đại diện VKS nêu quan điểm, đồng thời tiếp tục đưa ra các dẫn chứng khác để khẳng định "bà Lan không bị mất toàn bộ tài sản như đã khai trước đó".
Đối với việc một số luật sư cho rằng trong vụ án có tới 1.186 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay của bà Lan chứ không phải 1.166, đại diện VKS không đối đáp mà chỉ lưu ý các luật sư "cần nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án"; bởi có 20 mã tài sản được bà Lan và đồng phạm cùng sử dùng để đảm bảo cho nhiều khoản vay ở cả hai giai đoạn trước và sau năm 2018. Do đó, sau khi trừ đi các mã tài sản bị trùng này thì thực tế có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Lan, và hiện dư nợ 667.000 tỷ đồng - là thiệt hại của vụ án.
Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như "công cụ tài chính" huy động tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bị cáo đã trực tiếp và chỉ đạo, điều hành các cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, móc nối chặt chẽ với nhau thực hiện nhiều hành vi sai phạm rút tiền của ngân hàng.
Trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận