Virus Corona làm ngành thời trang điêu đứng
Kể từ khi dịch Corona bùng phát từ Vũ Hán, thời trang thế giới đã điêu đứng vì phải đóng cửa các xưởng sản xuất, chế tác, cửa hiệu và hủy các show thời trang.
Những tên tuổi thời trang tầm cỡ toàn cầu thường đặt chân vào Trung Quốc, nơi đầu tư nhà máy hiệu quả, cùng lượng người tiêu dùng khổng lồ. Giờ đây, các công xưởng chế tác, các show thời trang thường niên đang phải hủy bỏ.
Ngành công nghiệp thời trang chao đảo
Giờ đây, vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác hại tài chính của đại dịch Corona. Câu hỏi bao giờ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại đón người dân tung tăng đi mua sắm chưa có lời giải. Thực tế, khoảng một nửa các cửa hàng Nike, Levi’s, Hugo Boss... ở Trung Quốc đã đóng cửa, trong khi những cửa hàng còn lại chỉ phục vụ dăm ba tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nike chưa công bố thiệt hại tài chính, nhưng đã thú nhận tình hình dịch bệnh thực sự tác động lớn đến hoạt động của công ty. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 3% doanh thu của Levi’s nên xem ra chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu trong thời gian ngắn. Còn tập đoàn Goose Holdings của Canada cho biết dẫu không có sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng nào nhưng cũng nhìn trước được doanh thu sụt giảm, không chỉ ở đất nước Vạn Lý Trường Thành mà ở cả các cửa hàng của mình tại Bắc Mỹ và châu Âu. 12 trong số 64 cửa hàng thời trang cao cấp của Burberry ở Trung Quốc đại lục cũng đã đóng cửa, số còn lại hoạt động thì... người xem hàng vẫn có nhưng người mua thì không.
Tapestry, gã khổng lồ hàng xa xỉ của Mỹ sở hữu Kate Spade, Coach và Stuart Weitzman, cho biết dịch bệnh có thể làm giảm doanh thu của tập đoàn lên tới 250 triệu USD trong nửa cuối năm nay. Riêng Estee Lauder, công ty mỹ phẩm cao cấp toàn cầu, dự đoán doanh số bán hàng trong quý 3.2020 sẽ bị ảnh hưởng ở mức thê thảm. Theo trang Careerengine, tính đến ngày 4.2, Uniqlo đóng cửa 130/750 cửa hàng ở Trung Quốc. H&M Group có 1.899 xưởng sản xuất thời trang toàn cầu thì có đến 427 “cắm dùi” tại đại lục nên cũng đang vò đầu tìm cách gỡ rối cho khâu chế tác trong tình trạng chính quyền Trung Quốc đã áp đặt hạn chế đi lại đối với khoảng 60 triệu người, các công dân được khuyến khích ở nhà và tránh những nơi công cộng. Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, tổng du lịch vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã giảm tới 28,8% so với năm ngoái. Tất cả giới thời trang đều không trông mong gì ở mảng thương mại điện tử. Bởi vì ngay cả các trang web Taobao, JD.com và Pinduoduo của Alibaba cũng chỉ toàn thấy tăng đột biến về doanh số bán các sản phẩm... y tế và vệ sinh.
Trung Quốc “hắt hơi”, cả thế giới “cảm lạnh”
Năm 2000, Trung Quốc là một mẩu nhỏ của thị trường toàn cầu, chỉ chiếm 2% doanh số. Còn bây giờ, nơi đây được xem là lãnh thổ sinh lời nhất. Theo nghiên cứu của Bain & Company, 35% các mặt hàng xa xỉ (thời trang, đồng hồ và trang sức) năm 2019 hoặc được tiêu thụ tại Trung Quốc hoặc được mua sắm bởi công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Trong kỳ nghỉ năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 1,01 nghìn tỉ nhân dân tệ (149 tỷ USD) cho việc mua sắm và ăn uống nhà hàng. Trong khi hơn 6,3 triệu người Trung Quốc đi du lịch toàn cầu.
Chính vì thế, cơn bùng phát virus Corona lần này đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến doanh thu của các thương hiệu. Không chỉ vấn đề tiêu thụ sản phẩm, việc đảm bảo các đơn đặt hàng của các hãng thời trang lớn ở châu Âu cũng gặp khó khăn. Dịch bệnh khiến hàng không thể giao kịp vào tháng 4 như thường lệ của chu kỳ ra đời các bộ sưu tập, mà trì hoãn thêm vài tháng nữa lại là quá muộn. Câu nói nổi tiếng của nhà tư tưởng thế kỷ 19 Metternich “khi Paris hắt hơi, cả châu Âu cảm lạnh” nay có thể đổi lại “khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới cảm lạnh”. Trước sự bùng nổ của dịch Corona, giá cổ phiếu của các thương hiệu thời trang tại Trung Quốc cũng giảm đáng kể. Doanh số bán hàng của Christian Dior sụt giảm 2,3% tại Paris, Tập đoàn Kering (chủ sở hữu thương hiệu Gucci và Yves Saint Laurent) mất hơn 4%, cổ phiếu LVMH và Burberry đã giảm 3%, Richemont giảm gần 5,5%.
Nhiều Tuần lễ thời trang dự kiến diễn ra tại Trung Quốc từ tháng 3 phải hoãn chờ tình hình kiểm soát dịch bệnh. Show nào may mắn kịp tổ chức lại vắng bóng hàng loạt sao “đinh”. Không ít nhà thiết kế nước này phải hủy ra mắt show tại các tuần lễ thời trang quốc tế vì không kịp hoàn thành các thiết kế do nhân công nghỉ việc. Không chỉ có vậy, biên tập viên của các tạp chí Vogue, Marie Claire, Harper’s Bazaar cũng chẳng thể tham dự các Tuần lễ Thời trang Quốc tế Paris, Milan nếu dịch bệnh vẫn chưa chạm đỉnh, nhất là khi một số nước Âu, Mỹ đã triển khai thắt chặt, không cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đã ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Chiếc khẩu trang thành xu hướng thời trang nóng sốt
Những mặt tiêu cực, bi quan kể trên xuất hiện cùng lúc với những động thái tích cực nhân văn của thế giới thời trang. Các thương hiệu thời trang cao cấp quyên góp cho hội chữ thập đỏ Trung Quốc như LVMH trao 2,3 triệu USD và cam kết cung cấp nguồn thiết bị y tế. Tương tự, chủ của Balenciaga, Alexander McQueen, Versace, L'Oréal và một số nhóm thời trang khác đã đóng góp đáng kể cho các tổ chức cứu trợ. Trong khi đó nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới người mẫu chung tay tài trợ cho những nỗ lực toàn cầu để phát triển vaccine chống Corona.
Ngoài ra, virus Corona bất ngờ giúp xu hướng thời trang thêm mới lạ. Các trang bán hàng online nổi tiếng như eBay, Etsy, Amazon... bỗng nhiên xuất hiện những chiếc khẩu trang in lậu logo Gucci, Supreme trở thành xu hướng thời trang mới. Trên mạng xã hội, cư dân moi móc tìm lại, gom những gu đeo khẩu trang trình diễn trước đây của các siêu sao nhạc pop như Billie Eilish và Ariana Grande vào chung chủ đề “Phòng chống dịch bệnh theo phong cách”. Chưa hết, áo phông, trang phục có mũ trùm đầu với những dòng chữ như "I survived Corona Virus 2020" (Tôi đã sống sót trước virus Corona) hay thậm chí "I've got Corona Virus" (Tôi đã bị dính virus corona) cũng sốt hàng trong mùa dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận