24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Trung Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VinFuture dấy lên cảm hứng mới; Vietnam Airlines lại bay châu Âu; Sendo bán đào Nhật Tân

Trước kỳ nghĩ Tết nguyên đán, giới kinh doanh có nhiều tin truyền cảm hứng, từ kết quả kinh doanh khả quan đến những kế hoạch hướng tới tương lai bền vững.

Quỹ VinFuture của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa tên Việt Nam lên bản đồ khoa học toàn cầu

Lần đầu tiên, giới khoa học toàn hướng về Hà Nội, Việt Nam để theo dõi Lễ trao giải VinFuture lần đầu tiên.

Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” được trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs). Giải dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho Giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Giải “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS.

VinFuture được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân – bà Phạm Thu Hương, với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đất.

Ngay trong năm đầu tiên phát động, Hội đồng giám khảo đã nhận được 599 dự án chất lượng từ hơn 60 quốc gia tại 6 châu lục trên khắp thế giới. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nhiều người trong số đó đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Giải Tang, Giải Japan Prize…

Giải thưởng tôn vinh các nghiên cứu khoa học và các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ ở tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ mà hướng tới góp phần giải quyết những thách thức chung của nhân loại, bao gồm nhưng không giới hạn: nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ cho mọi người, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ngay sau khi kết thúc Tuần lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất, mùa giải VinFuture năm thứ hai chính thức được khởi động. Quỹ VinFuture sẽ mở cổng tiếp nhận đề cử từ ngày 15/2/2022 cho đến ngày 3/6/2022.

Vietnam Airlines thông báo nối lại đường bay thường lệ đến châu Âu

Vietnam Airlines đã triển khai kế hoạch khôi phục các đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Nga, Anh, Pháp, Đức.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines khai thác trở lại đường bay thường lệ giữa Hà Nội và Moscow (Nga) với tần suất 1 chuyến mỗi tuần. Chuyến bay đầu tiên có lịch khởi hành dự kiến ngày 29/1. Từ ngày 8/2, các chuyến bay từ Hà Nội đến Moscow sẽ khởi hành vào thứ 6 hàng tuần và chiều ngược lại vào thứ 7 hàng tuần.

Với các điểm đến còn lại tại châu Âu, ngày 24/1, Vietnam Airlines dự kiến thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên từ Hà Nội đến London (Anh), qua Paris (Pháp) rồi trở về Hà Nội. Đến ngày 27/1, hãng tiếp tục khai thác chuyến bay thường lệ đầu tiên giữa Hà Nội và Frankfurt (Đức).

Từ ngày 8/2, lịch bay đến các nước Anh, Pháp, Đức sẽ được triển khai cố định theo hai tuyến đường bay. Tuyến thứ nhất khởi hành vào thứ 3 hàng tuần với hành trình từ Hà Nội đến London, qua Frankfurt rồi trở về Hà Nội. Tuyến thứ hai khởi hành vào thứ 5 hàng tuần với hành trình từ Hà Nội đến Paris, qua Frankfurt rồi trở về Hà Nội.

Thông tin từ Hãng hàng không quốc gia, kế hoạch khai thác cuối cùng sẽ phụ thuộc vào quyết định phê duyệt của cơ quan chức năng và được Vietnam Airlines cập nhật tới hành khách trong trường hợp có sự thay đổi.

Trung Nam khánh thành nhà máy điện gió trên biển

.
Nhà máy điện gió Đông Hải 1 có tổng mức gần 5.000 tỷ đồng, tổng công suất 100 MW, quy mô 25 trụ gió

Nhà máy điện gió Đông Hải 1, Trà Vinh là nhà máy điện gió vượt biển đầu tiên do Trungnam Group triển khai.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 có tổng mức gần 5.000 tỷ đồng, tổng công suất 100 MW, quy mô 25 trụ gió. Nhà máy điện gió Đông Hải 1 bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh hàng năm, giúp đa dạng nguồn phát và tiến dần đến khả năng cân đối nguồn với năng lượng hóa thạch, giảm thải khí carbon. Toàn bộ các thiết bị của dự án này Trungnam Group đều sử dụng của Siemens Gamesa - công ty hàng đầu thế giới về chế tạo turbine gió.

Trungnam Group xác định định hướng “phát triển Bền vững” trong giai đoạn 5 năm tiếp theo mở ra một chương quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của Tập đoàn. Theo đó, Trungnam Group đến năm 2025 sẽ là tập đoàn đầu tư bền vững, qui mô toàn cầu, trong đó, năng lượng tiếp tục là ngành kinh doanh mũi nhọn với các dự án trọng điểm đã hoàn thành trong năm 2021 tại Đắk Lắk, Ninh Thuận, Trà Vinh và một số dự án đang nằm trong kế hoạch phát triển năm 2022.

Dự kiến, đến năm 2025, Trungnam Group sẽ nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8GW năng lượng tái tạo và 1,5GW điện khí LNG, đóng góp vào tiến trình giảm phát thải carbon tương đương hơn 13 triệu tấn carbon so với điện than đồng thời duy trì tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm.

EVN công bố hệ sinh thái EVNCONNECT trên đường trở thành doanh nghiệp số

.
EVNCONNECT gắn liền với 5 lĩnh vực chuyển đổi số của EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố Hệ sinh thái số EVN – EVNCONNECT. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của EVN trên con đường trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

EVNCONNECT gắn liền với 5 lĩnh vực chuyển đổi số của EVN gồm: Quản trị nội bộ; đầu tư xây dựng; sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; viễn thông và công nghệ thông tin.

Đến nay, EVN thông tin đã cơ bản hình thành EVNCONNECT, trong đó bao gồm 2 thành phần chính: hệ sinh thái kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành trong nền kinh tế số và hệ sinh thái nội bộ phục vụ các nghiệp vụ của EVN.

Năm 2021, Tập đoàn đã đẩy mạnh các nhiệm vụ chuyển đổi số với mục tiêu tổng quát là “cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025” và 100 mục tiêu cụ thể.

Năm 2019, EVN là đơn vị đầu tiên hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, các dịch vụ của EVN luôn nằm trong nhóm các dịch vụ tiêu biểu, được sử dụng nhiều nhất trên Cổng.

Cũng từ tháng 1/2022, EVN triển khai hoá đơn điện tử (E-Invoice), liên thông với hệ thống hoá đơn điện tử quốc gia và ngành thuế. Hoá đơn điện tử theo quy định mới của EVN được áp dụng toàn quốc ngay khi các Cục thuế địa phương áp dụng hoá đơn điện tử theo quy định Chính phủ.

FPT ghi nhận lợi nhuận lớn từ mảng công nghệ

.
Năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng 19,5% và 20,4% so với năm trước

FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng 19,5% và 20,4% so với năm trước, với đóng góp lớn nhất tới từ mảng công nghệ khi doanh thu thị trường nước ngoài đạt gần 650 triệu USD, bên cạnh khối viễn thông duy trì tăng trưởng bền vững.

Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt lần lượt 35.657 tỷ đồng và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.346 đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Theo đó, Tập đoàn đã hoàn thành 103% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Doanh thu từ chuyển đổi số trong năm 2021 của FPT đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 72% so với năm ngoái, tập trung vào các công nghệ số như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Low code…

Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài) mang về 20.736 tỷ đồng doanh thu và 2.799 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 23,4% và 24,3% so năm ngoái. Khối công nghệ đóng góp 58% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế, giữ vững vị thế khối kinh doanh chủ lực của Tập đoàn.

Mảng Viễn thông mang về 12.079 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,2% và 2.119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16,5% so với năm ngoái.

Tập đoàn Kido lãi đậm dù mất 4 tháng giãn cách xã hội

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi 4-5 tháng giãn cách xã hội nhưng năm 2021, lợi nhuận của Kido vẫn tăng 64%, lên 681 tỷ đồng.

Báo cáo của Tập đoàn Kido (KDC) cho thấy, quý IV/2021, doanh thu thuần của công ty đạt 3.057 tỷ đồng, tăng 30,5%; lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ. Luỹ kế 12 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của Kido đạt 10.501 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 681 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm qua, Tập đoàn này đã thay đổi cách thức bán hàng để tăng khả năng tiêu thụ khi thực hiện giãn cách xã hội nên chi phí này tăng 15% so với năm trước lên 1.204 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 43% xuống 242 tỷ đồng.

Lãnh đạo Kido cho hay, từ tháng 10/2021, Chính phủ gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội tại TP HCM, thị trường sôi động trở lại, sức mua ở tất cả ngành, nhất là thực phẩm thiết yếu tăng mạnh...

Năm nay, Kido đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng 32% so với năm ngoái.

Ngành dầu ăn, bên cạnh sản phẩm chủ lực, Kido sẽ đẩy mạnh các dòng sản phẩm bơ thực vật và bơ hạt các loại. Mảng bánh kẹo, tập đoàn tập trung vào 3 mũi nhọn gồm bánh tươi, bánh tây, bánh quà biếu phục vụ lễ hội.

Tập đoàn này cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng và đàm phán với các đối tác tiềm năng để từng bước đưa Chuk Chuk vươn ra thế giới, trước mắt là thị trường châu Á.

Sendo lần đầu mở bán đào Nhật Tân

Từ ngày 20/1-25/1, đào Nhật Tân lần đầu được mở bán trên sàn Sendo với cam kết giao hàng tận nơi, tối đa 2 giờ sau khi đặt trong phạm vi TP.HCM, giá từ 99.000 đồng/cành. Trong khuôn khổ của chương trình, đào bích chuẩn Nhật Tân được Sendo vận chuyển trực tiếp từ vùng trồng đến tay người dân TP.HCM để đem sắc xuân đến từng nhà, cho một mùa Tết sum họp.

Cùng với hoa đào, sàn Sendo mở bán hoa xuân và mâm ngũ quả đặt trực tuyến, giao ngay từ vườn đến tận nhà trong 2 giờ tại TP.HCM.

Chợ truyền thống là nét văn hóa đặc trưng trong dịp Tết, nhưng ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, chợ Tết trên nền tảng công nghệ hiện đại được quan tâm. Các sàn thương mại điện tử không chỉ bán đặc sản, bánh mứt, quần áo, gia dụng, đồ tân trang nhà cửa… mà còn sôi động với hoa, trái cây, bánh chưng, bánh tét, giò chả… để phục vụ Tết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả