VinFast VF 3 sắp có đối thủ mới?
CEO MIH Jack Cheng cho biết, đơn vị nền tảng xe điện của công ty Đài Loan Mobility in Harmony (MIH) sẽ sẵn sàng hợp tác với công ty mẹ hoặc một công ty khác để chế tạo xe điện mini ba chỗ, có giá dưới 20.000 USD, theo Reuters.
MIH đã đàm phán với các cửa hàng tiện lợi, công ty cho thuê ô tô và công ty chuyển phát nhanh trước khi ra mắt nguyên mẫu EV đầu tiên tại triển lãm thương mại ô tô lớn nhất Nhật Bản vào tháng 10 sắp tới.
Ông từ chối nêu tên các công ty trong các cuộc đàm phán với MIH, nhưng cho biết chiếc xe sẽ có giá từ 10.000 đến 20.000 USD (khoảng 240 triệu đến 475 triệu đồng). Ông nhận định, Ấn Độ và Thái Lan có thể là những ứng cử viên tiềm năng cho các địa điểm sản xuất.
"Bạn cần kế hoạch xây dựng ở những thị trường tiềm năng, điều này đang diễn ra ở Ấn Độ hoặc Đông Nam Á, nơi mà bạn có cơ hội bắt đầu với số lượng lớn ngay bây giờ", Cheng cho hay.
Ấn Độ đang được xem là cường quốc mới nổi cho thế hệ tiếp theo với tiềm năng lớn trong sản xuất xe điện. Trong khi đó, xe điện là một lĩnh vực được chính phủ Thái Lan hết sức quan tâm.
Thái Lan hiện là nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Đông Nam Á và hướng tới đưa xe điện chiếm khoảng 30% tổng ô tô sản xuất trong nước vào năm 2030. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản, chiếm khoảng 80% hoạt động sản xuất ô tô tại Thái Lan, hiện ưu tiên sản xuất xe điện tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Do đó, Chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ thúc đẩy được các nhà cung cấp phụ tùng trong nước tập trung hơn vào xe điện thông qua liên doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT) và Foxconn.
Hai tập đoàn này đang có kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới ở Thái Lan. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan ước tính ban đầu nhà máy sẽ sản xuất khoảng 50.000 xe điện hàng năm trước khi mở rộng công suất lên khoảng 150.000 xe.
Về phần mình, Foxconn là nhà lắp ráp iPhone theo hợp đồng lớn nhất của Apple. Trong những năm qua, công ty này liên tục đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe điện, nằm trong chiến lược tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho tăng trưởng đang chững lại trong mảng sản xuất điện thoại thông minh.
Foxconn cho rằng thị trường xe điện có thể mở cửa cho loại hình sản xuất theo hợp đồng mà Foxconn đã thống trị từ lâu trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Vì vậy, hãng đã lập liên doanh với Stellantis, chủ sở hữu của Fiat và Chrysler, cũng như liên doanh với công ty Geely của Trung Quốc.
Foxconn còn thành lập tập đoàn MIH gồm khoảng 2.600 nhà cung cấp từ năm 2021 với mục đích tạo ra một nền tảng mở, có thể tương đương với hệ điều hành Android của Google dành cho xe điện.
Cheng thừa nhận MIH "chưa nhìn thấy thành công" nhưng lợi nhuận cho các nhà cung cấp tham gia sẽ đi kèm với các đơn đặt hàng cho một loạt xe điện mới có tên là Project X. Ý tưởng là sử dụng các nền tảng chia sẻ, chi phí thấp để cho phép các nhà điều hành của công ty đặt hàng làm xe điện theo yêu cầu.
Cho đến nay, mô hình đó phần lớn chưa được thử nghiệm và các nhà phân tích nhận định một công ty sản xuất xe điện mới tham gia thị trường như Foxconn có thể phải dừng lại trong vài năm tới khi các nhà sản xuất ô tô và công ty khởi nghiệp lâu đời tăng cường sản xuất.
MIH có kế hoạch bắt đầu sản xuất mẫu xe điện ba chỗ trong khoảng 18 đến 24 tháng sau khi nguyên mẫu được công bố vào tháng 10/2023. Một mẫu xe điện sáu chỗ dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2024 và một mẫu xe chín chỗ vào năm 2025.
Hồi tháng 6, Foxconn cũng đã công bố đầu tư một khoản tiền lên tới 250 triệu USD (khoảng 5.855 tỷ đồng) để thành lập nhà máy sản xuất linh kiện xe điện tại tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, dự án gồm Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
Dù hiện chỉ sản xuất một số lượng nhỏ xe điện nhưng Foxconn đã đặt mục tiêu sẽ chiếm 5% thị phần toàn cầu vào năm 2025, Cheng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận