Vinfast là dự án kinh doanh được lập ra với sứ mệnh cao cả?
Câu chuyện “Vinfast là dự án kinh doanh được lập ra với sứ mệnh cao cả”, “Đó là xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam cao cấp và có đẳng cấp trên thị trường quốc tế” được trích từ chương trình đào tạo nội bộ do chính Chủ tịch Phạm Nhật Vượng thuyết trình.
Vậy VN làm được cả cái xe ô tô điện, sản phẩm công nghệ cao, thì chẳng có lý do gì chúng ta không sản xuất được mấy con ốc vít, mấy cái linh kiện.
Chỉ có điều chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng một hãng Việt Nam dám nghĩ, dám làm có thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh như xe ô tô điện Vinfast nhưng những doanh nghiệp Việt chính hiệu là không được các hãng ô tô có danh tiếng đặt sản xuất linh kiện lắp ráp ô tô, trong khi Indonesia đang trên con đường vượt quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á là Thái Lan trên phương diện này.
Các thương hiệu ô tô toàn cầu đang lắp ráp tại Việt Nam nhập linh kiện theo bộ rất nhiều từ Indonesia. Rồi một số thương hiệu nhập xe lắp nguyên chiếc từ Indonesia về bán tại VN, điển hình nhất là best seller phân khúc Xpander, đa dụng, kiểu dáng đẹp, giá siêu cạnh tranh. Mà nhập nguyên chiếc lại có thuế tốt, giá thành thấp do giá linh kiện sản xuất tại Indonesia rẻ. Toyota đã từng cân nhắc bỏ sản xuất, lắp ráp tại VN đối với một số mẫu xe, chuyển sang nhập nguyên chiếc.
Vậy ảo tưởng gì về việc các hãng dịch chuyển từ Trung Quốc sang VN, hay siêu tưởng tượng VN thay TQ thành “công xưởng của thế giới”?
Một số công ty VN có nền sản xuất hàng chục năm mà cá nhân tôi đã và đang làm việc cũng vẫn phải nhập nhiều linh kiện từ TQ vì không thể tự chế tạo với giá rẻ và chất lượng như TQ. Trong khi Indonesia, Phillipines đang dần từng bước vươn lên trong sản xuất và công nghiệp hỗ trợ. Đấy là thực tế.
Vậy thực tế như thế không phải là để VN thoái lui mà là để chúng ta cùng nhìn thẳng vào vấn đề để vươn lên tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách thực sự. Tham gia được cũng đã là quá tốt, chứ nói gì đến thay thế TQ. Sản lượng sản xuất và bán của các công ty TQ là khổng lồ, khách hàng đến từ mọi nơi trên địa cầu này, vậy làm sao chú bé tí hon đánh bại người khổng lồ? Vậy thực tế hay ảo tưởng?
Kinh nghiệm cá nhân tôi (với khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất Nhật, Hàn và VN) thì VN đối mặt với những vấn đề sau:
(1) Nền công nghiệp vật liệu: sản xuất thép công nghệ cao yếu thì khó làm linh kiện. Đến như lĩnh vực dệt may, gia nhập EVFTA là cơ hội những yêu cầu về xuất xứ vật liệu làm khó cho các doanh nghiệp Việt, chúng ta phải nhập khẩu vật liệu.
(2) Năng lực quản trị sản xuất: tại sao nói quản trị, bởi khả năng sản xuất linh kiện thì không khó, cái khó là có phát minh và sáng chế, sản xuất khối lượng lớn, tốc độ sản xuất cao, quản trị giao hàng kịp lúc, chất lượng không lỗi, giá thành siêu rẻ, chi phí vốn thấp, đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội. Để đảm bảo cùng lúc tất cả các yếu tố mà các hãng toàn cầu đưa ra cho các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ là không đơn giản cho doanh nghiệp Việt.
Vì thế sản phẩm nội địa hoá của chúng ta hay sản phẩm doanh nghiệp Việt cung cấp cho các hãng cực kỳ ít, thậm chí là không, là các linh kiện cấu thành sản phẩm mà là đồ da, vỏ hộp, tài liệu hướng dẫn,…
Chúng ta rất cần các “đầu tầu” như Vinfast để kéo nền sản xuất phát triển, nhưng chúng ta cần hơn là hàng ngàn doanh nghiệp cỡ vừa có năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc sản xuất ra những sản phẩm có giá trị (value for money).
Sự tham gia của “Bàn tay hữu hình” của Chính phủ là rất cần thiết trong việc tạo chính sách tổng quát cho các chuỗi, quy hoạch từng cụm sản phẩm, ưu đãi để thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Bởi vì chúng ta không thể làm riêng lẻ. Không hãng nào đặt hàng riêng lẻ từng linh kiện mà đồng bộ.
Chúng ta đã từng có nhiều dự án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cụ thể hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực quản trị sản xuất. Nhưng tính đơn lẻ khiến khi dự án kết thúc thì kết quả và tính tiếp nối chưa cao. Như thế những hãng nội địa như Vinfast cũng giảm tính cạnh tranh bởi làm sao mua linh kiện giá rẻ, chất lượng cao trong nước một cách chủ động để đảm bảo sản xuất liên tục?
Chúng ta có thể học mô hình từ nước Đức trong phát triển hàng triệu doanh nghiệp cỡ vừa, tạo ra nền sản xuất mà toàn thế giới ngưỡng mộ. Học công nghệ quản trị sản xuất từ Nhật với chất lượng sản phẩm vô cùng bền bỉ. Học sự nhạy bén và tư duy thích ứng từ Hàn Quốc, họ đang có đầu tầu như Samsung, Hyundai và hàng triệu doanh nghiệp “ăn theo”.
Chúng tôi đang nghiên cứu về nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp trong chuỗi chương trình Tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó ảnh hưởng của chính sách thu hút đầu tư của các nước láng giềng, tác động của “Thuế tối thiểu toàn cầu” cũng sẽ là những bài học trọng tâm. Hi vọng sẽ mang thêm góc nhìn và những đóng góp tích cực.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận