24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VinaCapital: 'Phát triển bất động sản là cách nhanh hơn để tạo đà tăng trưởng kinh tế'

Đó là một trong những khuyến nghị mà ông Don Lam – Sáng lập viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, đưa ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong dài hạn, dựa trên tình hình thực tế trong đại dịch, tiềm năng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và xa hơn nữa của Việt Nam.

Dưới đây là những chia sẻ của ông Don Lam.

Chính phủ Việt Nam đang tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế như: Người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ nhận được một khoản tài trợ trong vài tháng tới, cắt giảm tạm thời một số loại thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ tiền điện. Tuy nhiên, những biện pháp này chủ yếu hỗ trợ cho kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh hơn là kích thích kinh tế trong việc phát triển lâu dài. Do đó, VinaCapital đưa ra 7 khuyến nghị có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng trong hiện tại và tương lai.

Đảm bảo khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Giống như Đức đang áp dụng, Chính phủ Đức đảm bảo cho tất cả khoản vay từ ngân hàng dành cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được hoàn trả. Việt Nam cũng nên áp dụng các biện pháp tương tự. Cam kết của Chính phủ sẽ giúp các NHTM giảm áp lực về các khoản vay. Đồng thời sẽ giúp hàng ngàn doanh nghiệp hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn vay để duy trì hoạt động sau dịch bệnh.

So với các nước khác, Chính phủ Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và linh hoạt để đảm bảo các khoản vay được hoàn trả đầy đủ. Cuối cùng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sẽ giúp tạo nên nguồn thu mới từ thuế. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ở chế độ “kinh tế ngầm”, doanh thu của họ không phải lúc nào cũng rõ ràng khi tính vào số liệu chung như GDP. Bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng và đưa họ vào hệ thống thực chất, Chính phủ giúp họ chuyển sang vận hành theo chế độ “kinh tế thực chất”, qua đó có thêm nguồn thu thuế mới đồng thời có cơ sở dữ liệu chính xác hơn.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cách đơn giản nhất cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Cơ sở hạ tầng không phải là những dự án chóng vánh – xây dựng nhà máy điện, cảng biển, đường cao tốc, sân bay và hệ thống đô thị cần một khoảng thời gian dài để lên kế hoạch và thực thi. Nhưng những dự án này sẽ giúp tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông, cũng như tạo ra nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng. VinaCapital tin rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng là chiến lược tuyệt vời cần được cân nhắc, bởi nó không chỉ hỗ trợ vấn đề việc làm, mà còn tạo ra lợi thế cho Việt Nam nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Gỡ nút thắt cho các dự án bất động sản

Đối ngược với hạ tầng, phát triển bất động sản có thể coi là cách nhanh hơn để tạo đà trưởng. Cũng như các dự án hạ tầng, bất động sản cũng tạo ra nhiều việc làm và nhu cầu lớn về vật liệu như sắt thép và xi măng và xây dựng các khu chung cư rõ ràng tốn ít thời gian hơn xây dựng đường cao tốc. Nhu cầu “an cư” tại Việt Nam rất rõ nét trước đại dịch Covid-19, các dự án nhà ở mới đầu thu hút một lượng lớn giao dịch khi đưa vào khai thác. Trong giai đoạn dịch bệnh, giá chung cư mới tại TP.HCM và Hà Nội theo các môi giới bất động sản chỉ giảm 5-10%, được xem là tín hiệu rõ ràng về nhu cầu nhà ở đang gia tăng ở tầng lớp trung lưu. Trong 2 năm gần đây, nhiều dự án bất động sản khắp cả nước chậm phát triển do quá trình thẩm định theo yêu cầu của Chính phủ. Hệ thống pháp lý phức tạp và đôi khi thiếu đồng bộ đã khiến nhiều dự án bất động sản và hạ tầng bị ngừng trệ. Nếu có những chỉ đạo từ các cấp cao nhất của Chính phủ cho việc tiếp tục phát triển những dự án bất động sản đang tạm ngừng song song với các tiêu chí đánh giá liên quan đến quá trình thực thi và giải ngân. VinaCapital tin rằng nút thắt của ngành bất động sản sẽ được tháo gỡ và kinh tế sẽ được hưởng lợi lớn.

Hoạch định chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm

Dệt may Việt Nam đang là một trong những ngành có rủi ro lớn nhất từ đại dịch. Với doanh số bán lẻ hàng thời trang giảm 50% ở Mỹ và châu Âu, VinaCapital lo ngại về khả năng thất nghiệp hàng loạt của lao động trong ngành công nghiệp này. Một cách để giảm thiểu thiệt hại là giúp các công ty may mặc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ năng lực sản xuất của họ sang sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân cho ngành y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ, tấm chắn giọt bắn và các thiết bị khác để bảo vệ bác sĩ, y tá và các nhân viên khác trong ngành y tế.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không đơn giản và dễ dàng thực hiện. Việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế đến Mỹ và châu Âu đòi hỏi phải được chấp thuận từ các cơ quan quản lý như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nhiều công ty may mặc nhỏ có thể không có đủ chuyên môn kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn đó hoặc theo đuổi các quy trình phức tạp để được FDA cấp phép, nhưng Chính phủ Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp trong việc này.

Thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức nghiên cứu lâm sàng

Với việc sản xuất thiết bị y tế phức tạp có thể là quá tầm với hầu hết các công ty “phát triển nghiên cứu lâm sàng” – hay CRO – lại là 1 ngành đầy hứa hẹn. Các công ty này tổ chức thử nghiệm y tế cho các loại thuốc mới và xử lý các thủ tục hành chính phức tạp, bao gồm việc tuân thủ các điều lệ ở Mỹ và châu Âu, thay mặt cho các công ty dược phẩm lớn trên thế giới. Khoảng 3/4 hoạt động nghiên cứu thuốc của các công ty dược đã được giao về cho các công ty này. VinaCapital hy vọng ngành này mở rộng hậu Covid-19 và Chính phủ Việt Nam có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Quảng bá du lịch

Một ngành công nghiệp khác có thể được thúc đẩy bằng chính sách là ngành du lịch. Rõ ràng, đây là một cuộc chơi dài hạn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19 ở các nơi khác và mức độ suy thoái hiện hữu trên toàn cầu. Tuy nhiên, bằng cách quảng bá Việt Nam là một điểm đến thuận tiện và an toàn cho khách du lịch trong khu vực, Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để giúp ngành công nghiệp này - hiện sử dụng 1.3 triệu lao động, chiếm 10% GDP bắt nhịp trở lại một cách an toàn nhất có thể.

Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động tại Việt Nam

Các ấn phẩm như tạp chí The Economis và Ngoại giao, các nhà đầu tư và tổ chức uy tín như Mark Mobius, JETRO và công ty tư vấn AT Kearny đều dự đoán rằng các doanh nghiệp có xu hướng di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Tuy nhiên, việc thiết lập các nhà máy luôn phức tạp và cần có thời gian.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam có thể khuyến khích các công ty đa quốc gia di dời hoạt động của họ đến Việt Nam bằng cách quảng bá các biện pháp y tế công cộng sớm và quyết liệt của Chính phủ đã không chỉ giúp kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, mà còn đảm bảo việc hoạt động an toàn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả