VIMC tìm kiếm và hiện thực các cơ hội thị trường vận tải biển
VIMC tập trung mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ chuỗi, hợp đồng COA, làm việc với các hãng tàu lớn, mainlines đưa tàu về các cảng của TCty, đặc biệt đối với các cảng còn dư địa phát triển.
2019 là năm Tổng công ty ng hải Việt Nam (VIMC) hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần, hợp nhất các doanh nghiệp cùng bộ nhận diện thương hiệu mới và tiến hành các chiến dịch quảng bá, phát triển kinh doanh tại thị trường trong và ngoài nước.
Trên nền tảng liên kết chặt chẽ các thành viên để cung cấp cho khách hàng các gói dịch vụ trọn gói, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội thị trường cho đội tàu biển bằng nhiều giải pháp quyết liệt hơn.
Đưa tàu vào khai thác tại các thị trường mới
Thị trường vận tải biển năm 2019 tiếp tục dư thừa cung tàu nên giá cước vận tải rất thấp, tương đương với 1/10 so với giá cước năm 2008. Xu hướng mới trên thế giới hiện nay là tàu trẻ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường. Trong khi đó, đội tàu của VIMC hiện tại, với 77 tàu, tổng trọng tải 1,69 triệu tấn, và tuổi tàu trên 14, 15 năm, chi phí lớn, nên khả năng cạnh tranh kém.
Bên cạnh đó, việc mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao, sự cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp trong khối vận tải biển giải đoạn vừa qua, cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mặc dù đã được tái cơ cấu mạnh mẽ nhưng khối vận tải biển vẫn tiếp tục kinh doanh thua lỗ chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trong năm 2019, VIMC tập trung mở rộng thị trường, quy mô, trong đó tập trung phát triển dịch vụ chuỗi, hợp đồng COA, làm việc với các hãng tàu lớn, mainlines đưa tàu về các cảng của Tổng công ty, đặc biệt đối với các cảng còn dư địa phát triển.
Phó Tổng giám đốc VIMC Lê Quang Trung cho biết, cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2019, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã làm việc với đại diện SM Lines (Thái Lan) và Tập đoàn Than RCI (Nga) để mở các tuyến container thành phố Hồ Chí Minh – Băng Cốc và tuyến cho tàu hàng rời vận chuyển than từ Nga về Việt Nam.
Liên kết các doanh nghiệp vận tải biển thành viên, thuê thêm tàu ngoài vào khai thác, duy trì các hợp đồng COA
Hệ thống tàu khai thác container của VCSC, Biển Đông và Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) vận hành đơn lẻ với thương hiệu của doanh nghiệp mình. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng nhưng không tạo được sức mạnh chung, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau trên thị trường khai thác vận tải container. Tình hình đó cần một sự thay đổi mạnh mẽ, bởi "Đơn lẻ, manh mún thì không thể tồn tại được" như lời của Q. Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh.
Trung tâm khai thác tàu container ra đời sẽ hình thành một hệ thống khai thác, vận hành vận tải container chuyên nghiệp, chắt lọc được những điểm mạnh từ hai hệ thống hiện có của VCSC và Biển Đông thiết lập được từ nhiều năm qua. Ngoài việc thị phần được duy trì và ngày càng mở rộng do tận dụng được quy mô đội tàu container sau khi gom vào một đầu mối là Trung tâm khai thác còn giảm được chi phí quản lý, chi phí thuê văn phòng, các chi phí khác đồng thời bố trí lịch tàu hợp lý tránh trùng lịch tàu khai thác.
Việc "hợp nhất nguồn lực" này tạo tính quy mô khác biệt mà các hãng tàu nội địa khác khó có thể hình thành, từ đó tạo đà khôi phục và phát triển hoạt động khai thác vận tải container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Ngoài ra, Trung tâm khai thác tàu container còn là kênh trung gian thu hút khách hàng, đối tác nước ngoài cho khối cảng và khối logistics của Tổng công ty, góp phần duy trì ổn định và tăng trưởng nguồn thu, nâng cao hiệu quả tổng thể của sản xuất kinh doanh.
Phó Tổng giám đốc VIMC Bùi Việt Hoài cho biết, “Trong hai năm gần đây, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) khai thác 25-27 tàu, trong đó thường xuyên có từ 7-10 tàu được thuê của thị trường bên ngoài”. Với thế mạnh của VOSCO là năng lực khai thác tàu tốt, giải pháp thị trường mới mẻ này đã mang đến kết quả sản xuất kinh doanh khả quan dần lên cho “Anh cả đỏ” một thời này.
Liên kết với các hãng tàu lớn mở tuyến tới các cảng Đông Nam Á, Tây Á
Bà Đỗ Ngọc Trang, Phụ trách Trung tâm khai thác tàu container VIMC cho biết: "Trong năm 2019, ngoài việc hoạt động chuyên tuyến nội địa Bắc Nam, Trung tâm Khai thác tàu container VIMC sẽ nghiên cứu hợp tác với các hãng tàu lớn như COSCO/CMA để mở các tuyến kết các cảng Việt Nam tới các cảng Đông Nam Á”.
Bà Trang cũng cho biết, tuyến kết nối cảng miền Trung Việt Nam đi các cảng nội Á, cũng như hàng xuất khẩu của nước bạn Lào qua cảng Đà Nẵng, hay phát triển dự án mới kết nối Chu Lai, Nghi Sơn cũng sẽ được Trung tâm xây dựng lộ trình vào nửa cuối năm 2019 với hãng tàu lớn như ZIM, SM Lines..
Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, "năm 2019 được xem là năm hướng tới khách hàng, coi sự hài lòng của khách hàng là thước đo thành công của các doanh nghiệp VIMC. Cùng với các doanh nghiệp cảng biển và dịch vụ hàng hải, các doanh nghiệp khai thác tàu biển trong Tổng công ty sẽ thực hiện việc đánh giá và khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng 6 tháng/lần đạt từ 80% khách hàng đánh giá ở mức độ hài lòng”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận