Viettel Post trước áp lực từ Giao hàng nhanh, Ahamove
Với nguồn lực mới từ Temasek, Scommerce dự kiến tăng tốc kế hoạch mở rộng toàn quốc của mảng kinh doanh giao hàng. Diễn biến này sẽ làm suy giảm tương đối lợi thế cạnh tranh của Viettel Post và MyGO.
Theo báo cáo mới từ Google, Temasek và Bain, giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của e-commerce tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ USD trong năm 2019, tăng mạnh so với mức 2,8 tỷ USD trong năm 2018. Nghiên cứu này cũng dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân ngành trong giai đoạn từ 2019 – 2025 sẽ duy trì ở mức cao, khoảng 31%.
Sức tăng trưởng cao đang ủng hộ mạnh mẽ những doanh nghiệp tham gia thị trường, trong đó có Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post). Hồi đầu năm nay, Viettel Post đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực gọi xe, giao hàng tức thời với nền tảng MyGO. Ứng dụng này ra đời cạnh tranh với hàng loạt ứng dụng khác sẵn có hiện tại trên thị trường, như Grab, GoViet, Ahamove và Logivan.
Được phát triển song song với nền tảng thương mại điện tử Voso, lãnh đạo Viettel cho biết đây là một phần của chiến lược dài hạn để chuyển đổi thành một công ty công nghệ và Viettel Post hiện đang tạo ra 1 siêu ứng dụng nhằm “gia tăng giá trị cho khách hàng và mở rộng hệ sinh thái của công ty và Tập đoàn Viettel”.
Hiện tại, Viettel Post tập trung nhiều hơn vào MyGO nhằm tận dụng thế mạnh trong ngành kinh doanh giao nhận truyền thống và xây dựng cơ sở giao hàng tức thời cho nền tảng thương mại điện tử. Theo Viettel Post, chỉ sau 2 tháng ra đời, đội ngũ tài xế của MyGo hiện đã đảm nhận 20% đơn hàng của công ty, giúp củng cố hiệu quả chi phí giao hàng chặng cuối.
Nhờ mạng lưới bưu cục rộng lớn (hơn 1.500 bưu cục và 6.000 điểm gửi hàng) và sự bùng nổ của thương mại điện tử, trong quý 3, doanh thu của Viettel Post đạt 2.055 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 127 tỷ đồng, tăng 33%.
Công ty cũng ghi nhận chi phí tăng cao hơn so với cung kỳ. Chi phí bán hàng trong quý 3 đạt 10,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 635 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là chi phí dịch vụ thuê ngoài. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đạt 78 tỷ đồng, tăng 41% do tăng chi phí nhân công và các chi phí khác bằng tiền.
Việc Viettel Post tăng mạnh chi phí khá dễ hiểu khi công ty cần tăng cường khuyến mãi để thu hút tài xế tham gia dùng ứng dụng MyGO. Theo dữ liệu từ SimilarWeb, lượng tài xế active hằng ngày (daily active drivers) trên Android của MyGo đã giảm từ khoảng1.600 tài xế trong tháng 8/2019 còn khoảng 600 tài xế trong tháng 9/2019.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng điều này là do Viettel Post ít đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi; tuy nhiên, lượng tài xế active hằng ngày đã phục hồi trong tháng 10/2019, lên khoảng 800 tài xế khi Viettel Post phân bổ nhiều sản lượng hơn cho ứng dụng MyGo.
Điều này cho thấy MyGO cần chi thêm tiền bạc và thời gian để chứng minh với các tài xế tham gia ứng dụng sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Đây là một vấn đề của Viettel Post so với các đối thủ khác như Grab, GoViet hay Tiki khi không được phép chi quá nhiều cho hoạt động thu hút khách hàng mới. Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch lợi nhuận 5 năm với tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận giai đoạn 2018 – 2024 đạt 26%.
Trong khi đó, cuối tháng 10 vừa qua, Scommerce xác nhận đã gọi vốn thành công vòng Serie C từ Temasek - quỹ đầu tư của chính phủ Singapore. Khoản đầu tư liên quan đến các công ty con thuộc mảng giao nhận thương mại điện tử Giao Hàng Nhanh (GHN) và Ahamove - dịch vụ giao hàng tức thời.
Vòng gọi C tương đương vốn góp đầu tư từ 20 đến 100 triệu USD. Các công ty nhận vòng C thường khá thành công (mức doanh thu từ 1 triệu USD/tháng) và đang cần vốn để phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường và thậm chí là mua lại các công ty trong ngành.
GHN hiện có công suất xử lý 300.000 đơn hàng/ngày mới mạng lưới phủ sóng tại 63 tỉnh thành với 500 bưu cục, 1.500 điểm gửi hàng Vinmart+ và Circle K. Hãng cũng hợp tác với 100.000 cửa hàng và doanh nghiệp, kể tên có nhiều thương hiệu lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Juno, Vinamilk, Sendo..
Trong khi đó, theo công bố gần đây từ Ahamove, đơn vị này đang xử lý 60.000 đơn hàng/ngày và tạo thu nhập cho 20.000 tài xế. Sau khi nhận vốn, Ahamove sẽ đẩy mạnh gói giao hàng trong 4 giờ và mở rộng độ phủ đến các tỉnh.
VCSC nhận định, Scommerce hiện sở hữu khoảng 212 bưu cục và khoảng 1.500 điểm gửi hàng. Với nguồn lực mới, Scommerce dự kiến tăng tốc kế hoạch mở rộng toàn quốc của mảng kinh doanh giao hàng (ví dụ, trung tâm chia chọn tự động, đội xe tải) cũng như nền tảng công nghệ và tự động hóa của công ty. Diễn biến này sẽ làm suy giảm tương đối lợi thế cạnh tranh của Viettel Post về mặt độ phủ địa lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận