Viettel Post sẽ bắt tay với Alibaba và JD.com
Viettel Post vừa có các buổi làm việc và tiếp xúc với hai "ông lớn" về thương mại điện tử là Tập đoàn Alibaba và DJ.com (Trung Quốc) để hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới.
Viettel Post vừa kết hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) có chuyến làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại đây, Đoàn đã có những buổi làm việc và tiếp xúc với hai "ông lớn" về thương mại điện tử thế giới là JD và Tập đoàn Alibaba.
Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường thương mại điện tử đứng đầu thế giới, vượt qua cả Mỹ và châu Âu về mặt quy mô. “Gã khổng lồ” Alibaba của Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về thương mại điện tử, cùng với Amazone. Đầu năm 2019, giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này vào khoảng 467,66 tỷ USD. Năm 2018, Alibaba đã tạo ra doanh thu 243,5 tỷ USD.
Hiện "gã khổng lồ" của Trung Quốc cũng đang nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh tại nước ngoài, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, nơi tập đoàn này vận hành nền tảng thương mại điện tử Lazada. Năm 2016, Alibaba chi 1 tỷ USD mua lại Lazada. Lazada là sàn thương mại điện tử lớn khu vực Đông Nam Á, hoạt động tại 6 thị trường trọng điểm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Lazada là 1 trong 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, cùng với Shopee.vn và Tiki.vn.
Tại Trung Quốc, ngày 9/9/2019, Alibaba công bố việc mua lại Kaola, nền tảng thương mại điện tử của đối thủ NetEase, với giá 2 tỷ USD và sẽ tích hợp nó vào Tmall, tạo ra nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất tại Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, Alibaba được cho là đang trong giai đoạn đầu của việc đầu tư vào Grab với số vốn đồn đoán từ 1,5 - 2 tỷ USD.
Còn DJ.com là một cái tên không xa lạ tại Việt Nam khi năm 2017, DJ.com đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào thương mại điện tử Tiki. Năm 2018, JD.com thu về 201 tỷ USD doanh thu. Tại Đông Nam Á, JD.com cũng đã thành lập liên doanh thương mại điện tử 500 triệu USD với Tập đoàn Central của Thái Lan.
Viettel Post đánh giá, điểm nổi bật của thương mại điện tử Trung Quốc đó chính là việc đã phủ sóng được thương mại điện tử đến những vùng xa, đây cũng chính là điểm mấu chốt Viettel Post phải học tập.
Viettel Post với vai trò đơn vị tiên phong, mục đích kết nối không điều gì khác là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Viettel Post đã bắt đầu nhìn ra khỏi thị trường nội địa để tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn từ các nhà cung cấp nước ngoài trên Amazon, Ebay, JD, Alibaba...
Mặt khác, Viettel Post cũng đang tìm đường vươn ra thị trường thế giới bằng cách đưa các sản phẩm dịch vụ uy tín của Việt Nam bán trên các sàn uy tín này.
Ở thời điểm hiện tại, việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nhất là khâu thanh toán quốc tế. Việc người mua và người bán không gặp trực tiếp để trao đổi và kiểm tra sản phẩm chính là cơ sở của thiếu niềm tin. Chính vì thế, bên cạnh những cơ chế chính sách, thị trường đang rất cần những Tập đoàn đủ lớn, đủ mạnh, đủ uy tín, có thể đại diện cho chất lượng sản phẩm để đảm bảo các giao dịch đó diễn ra thành công.
Viettel Post xác định vai trò hậu cần trong chiến lược phát triển thương mại điện tử Việt Nam, vừa tư vấn giúp người mua chọn được nhà cung cấp uy tín, vừa là đơn vị trung gian đảm bảo an toàn cho giao dịch mua hàng. Hiện tại, Alibaba muốn mở cửa lĩnh vực thanh toán điện tử ở Việt Nam và mở rộng lĩnh vực đào tạo cho Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề thanh toán điện tử xuyên biên giới còn chưa được xem xét do yêu cầu chặt chẽ trong quản lý ngoại hối và chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công thương), hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang thận trọng trong lĩnh vực thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng tài khoản thanh toán viễn thông. Năm 2020, Chính phủ sẽ xây dựng một chính sách tổng thể mới về thương mại điện tử để giải quyết các vướng mắc về chất lượng, sản phẩm trong thương mại điện tử, trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết vấn đề chất lượng và niềm tin.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, năm 2018 được ghi nhận là năm phát triển sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 30% (gấp hơn 4 lần so với mức tăng trưởng GDP). Từ con số 4 tỷ USD năm 2013, đến năm 2018, quy mô thị trường bán lẻ đạt 7,8 tỷ USD.
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek còn tính toán, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 lên tới 9 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2019 và năm 2020 tiếp tục giữ ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam sẽ lên tới khoảng 13 tỷ USD. Báo cáo của Google và Temasek dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ ba ở Đông Nam Á chỉ sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Tập đoàn JD đã xác định hợp tác với Bộ Công thương xây dựng "Gian hàng quốc gia Việt Nam" để bán sản phẩm Việt Nam chất lượng cao trên nền tảng của JD. Đây là cơ hội lớn cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách bài bản thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận