Viettel khó buông tay khỏi “thung lũng hoa hồng”
Áp lực về các khoản nợ và huy động vốn của CTCP Vĩnh Sơn là thách thức lớn với kế hoạch thoái vốn của Viettel tại doanh nghiệp triển khai Dự án Khu đô thị Thung lũng hoa hồng này.
Lần rao bán thứ ba
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa đăng ký bán đấu giá cả lô toàn bộ hơn 4,58 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Vĩnh Sơn. Giá khởi điểm mà Viettel muốn thu về từ lô cổ phần này là hơn 922 tỷ đồng, tương đương 201.044 đồng/cổ phần, cao gấp 2 lần mệnh giá (100.000 đồng/cổ phần).
Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 Viettel muốn rút toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Vĩnh Sơn. Hai lần chào bán trước đó là vào tháng 7 và tháng 8/2020, nhưng đều không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Công ty cổ phần Vĩnh Sơn được thành lập vào tháng 9/2003, với vốn điều lệ 11 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, xây dựng công trình dân dụng. Công ty được thành lập để triển khai đầu tư Dự án Khu đô thị Thung lũng hoa hồng (Rose Valley), tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Hiện dự án có quy mô 75,71 ha này vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Tính tới ngày 30/6/2021, Công ty cổ phần Vĩnh Sơn ghi nhận hơn 1.129 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang với dự án này, chiếm 93,5% quy mô tổng tài sản. Cũng bởi vậy mà kết quả kinh doanh những năm qua của Công ty khá ảm đảm, mới ghi nhận doanh thu từ năm 2018. 6 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt doanh thu thuần 84,6 triệu đồng, doanh thu tài chính 18 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí và thuế, thì lãi ròng đạt 3,4 triệu đồng.
Thung lũng hoa hồng còn “lắm gai”
Ngoài việc lô cổ phiếu mà Viettel chào bán không phải là lượng cổ phần chiếm đa số tại Công ty cổ phần Vĩnh Sơn, thì yếu tố khiến Viettel khó “rút chân” khỏi Dự án Rose Valley còn đến từ các vấn đề pháp lý của Dự án.
Theo nhận định từ phía Công ty cổ phần Vĩnh Sơn, việc trình UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương Công ty là chủ đầu tư đối với 10,85 ha mở rộng thuộc Dự án Rose Valley có thể gặp khó khăn, do theo quy định, phần diện tích mở rộng này phải đấu thầu chọn chủ đầu. Hơn nữa, phần diện tích này cũng chưa xác định được nghĩa vụ tài chính hoặc ký hợp đồng thuê đất…
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Vĩnh Sơn đang nợ đọng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất tại Dự án. Ngoài ra, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến còn phải trả của diện tích 64,66 ha (không bao gồm diện tích 10,85 ha mở rộng) là 20,4 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vĩnh Sơn cũng đang có khoản vay với 6 cá nhân với tổng giá trị 29,78 tỷ đồng.
Một yếu tố quan trọng khác là Công ty cổ phần Vĩnh Sơn phải có đủ vốn điều lệ tương đương 15% tổng mức đầu tư để đảm bảo đủ năng lực tài chính theo quy định. Theo phương án do đơn vị tư vấn lập tháng 5/2019, tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án Rose Valley là 11.873 tỷ đồng. Như vậy, để đủ điều kiện về năng lực tài chính, Công ty cần phải tăng vốn tối thiểu lên 1.800 tỷ đồng.
“Với tình hình thị trường bất động sản hiện tại, Công ty cổ phần Vĩnh Sơn đứng trước thách thức về việc định hướng phát triển dự án các năm tiếp theo để đảm bảo sản phẩm được thị trường tiếp nhận và có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ”, Công ty cổ phần Chứng khoán MB - đơn vị tư vấn đợt thoái vốn nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận