Vietravel: Tham gia hàng không để "tiết kiệm” 3.000 tỷ đồng tiền vé
Mỗi năm công ty chi 3.000 tỷ đồng mua vé. Mục tiêu đến năm 2022 của Vietravel là phục vụ 2 triệu khách du lịch.
Xác định bay du lịch là thị trường chính, Vietravel nhắm đến thị phần trong 51.000 chuyến bay thuê chuyến (charter) nước ngoài vào Việt Nam.
Số liệu từ tổng cục thống kê ghi nhận, 9 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 77%, cao hơn tăng 8% so với cùng kỳ 2018. Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng lần lượt 15% và 6%.
Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, tốc độ phát triển du lịch của Việt Nam rất tốt nhưng vẫn không thể so sánh với Thái Lan đón 38 triệu khách quốc tế.“Do đó, nếu không phát triển hàng không nội địa thì làm sao mở rộng thị trường du lịch Việt Nam”, ông Kỳ bày tỏ quan điểm.
Đã có hơn một lần vị CEO này khẳng định, hướng đi của công ty trong lĩnh vực hàng không là bay du lịch, nhắm đến thị trường bay charter. Mỗi năm công ty chi 3.000 tỷ đồng mua vé. Mục tiêu đến năm 2022 của Vietravel là phục vụ 2 triệu khách du lịch. “Hiện nay chỉ với 1 triệu khách, chúng tôi đã làm việc rất vất vả với các hãng hàng không, thì 3 năm nữa là vô phương, nên Vietravel phải tự thân làm”, ông Kỳ nói.
Vẫn theo ông Kỳ, công ty đã tham gia thị trường bay charter 5 năm với số lượng thuê khoảng 500 chuyến mỗi năm. Đồng thời ông Kỳ cũng đưa ra một số liệu khác, có 51.000 chuyến bay charter từ nước ngoài về Việt nam, toàn bộ số này thuộc về các hãng bay nước ngoài, "con số 500 của Vietravel chỉ như muối bỏ bể”.
Nếu nền tảng kinh doanh của Vietravel là lữ hành, thì bay charter sẽ là lựa chọn thích hợp với Vietravel Airlines. “Trong du lịch, 50% chữ du mang nghĩa di chuyển, nếu bỏ hệ thống vận chuyển sang một bên thì không còn chữ lịch đằng sau”, ông Kỳ cho biết.
Dẫn chứng về sự gắn kết giữa du lịch và hàng không, Vietravel đã bay hơn 1.000 chuyến liên tục Cần Thơ - Nha Trang, Cần Thơ - Đà Lạt, Sài Gòn – Phuket. Chính vì vậy, một số hãng đã “nhảy” vào khai thác các chuyến này. Khi các hãng hàng không khác bay có lãi, các đơn vị này sẽ bán hết chỗ, Vietravel không mua được vé. Công sức phát triển thị trường vì thế bị bỏ phí, do đó Vietravel tham gia vận chuyển hàng không để giữ thành quả.
Vị CEO này “bật mí”, từ nay đến năm 2020, công ty ước tính ký 200 chuyến bay sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này cho thấy kế hoạch dài hạn mà Vietravel chuẩn bị. Mặt khác, với 40 chi nhánh và 56 văn phòng hoạt động trên cả nước cùng hệ thống bán vé qua sàn giao dịch điện tử, hãng hàng không Vietravel sau khi được chấp thuận sẽ có nền tảng “cất cánh”. Công ty cũng đã lập 6 văn phòng ở nước ngoài và sẽ mở tại 11 thị trường trọng điểm để nhận khách. Vietravel đã mở văn phòng tại Mỹ và sắp tới là London và Dubai, định hướng nhắm vào mạng lưới nước ngoài.
CEO Vietravel còn tiết lộ lý do muốn lập hãng hàng không Vietravel Airlines, là bởi trong một lần đi công tác ở Trung Quốc làm việc với công ty du lịch lớn ở Thượng Hải và sau đó được công ty này mời đi máy bay của họ. Doanh nghiệp này có một hãng hàng không đang khai thác 127 chiếc máy bay.
Tiếp đó, một công ty du lịch lớn nhất châu Âu là TUI (trụ sở chính ở Đức) cho biết doanh thu năm nay có thể giảm tới 225 triệu USD vì lệnh cấm bay Boeing 737 Max sau sự cố của dòng máy bay này. Công ty du lịch này đang sở hữu 15 chiếc Boeing 737 Max chiếm 10% đội bay, lệnh cấm khiến công ty phải thuê thêm máy bay và gia hạn hợp đồng với các đối tác…
Rõ ràng, các công ty du lịch lớn ở nước ngoài đều định hướng hoàn thiện hệ sinh thái của mình bao gồm cả vận chuyển. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một hãng hàng không nước ngoài có 127 chiếc máy bay và được phép bay ở thị trường nội địa Việt Nam? “Do đó, chúng tôi cũng nằm trong xu hướng này, bằng việc có kế hoạch mở hãng hàng không, hoàn thiện hệ sinh thái để tận dụng tối đa nguồn lực của mình", ông Kỳ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận