24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vietravel Airlines và xu hướng hoàn thiện hệ sinh thái của các "ông lớn" du lịch

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành Viên Vietravel Airlines do Công ty Du lịch Vietravel thành lập vừa nộp hồ sơ xin phép đầu tư về ngành hàng không.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành Viên Vietravel Airlines, Vietravel đầu tư 1.000 tỉ đồng để thành lập Vietravel Airlines. Công ty mới sẽ hoạt động độc lập với du lịch Vietravel. Vietravel Airlines đã có kế hoạch thuê máy bay, kế hoạch bay, nhân sự... nếu các thủ tục được hoàn tất đúng tiến độ thì có thể bay sau 18 tháng, tính từ thời điểm này.

Xu hướng sở hữu đội bay riêng

Lý giải về động cơ tham gia vào thị trường hàng không, ông Kỳ cho biết, năm 2018, sau khi ký hợp tác với công ty du lịch lớn nhất Thượng Hải là Spring Tour, ông được mời trải nghiệm dịch vụ của đối tác và rất ấn tượng khi biết công ty này sở hữu đến 137 máy bay. Gần đây hơn, sau khi dòng máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay vì hai tai nạn liên tiếp, hãng du lịch hàng đầu châu Âu là TUI (Đức) công bố phải đóng cửa 30% lực lượng bay trong tổng số 200 chiếc máy bay của công ty. Thông tin này cho thấy xu hướng hãng du lịch sở hữu đội bay riêng.

“Điều gì đang xảy ra? Rõ ràng các hãng du lịch lớn nước ngoài đang hoàn thiện hệ sinh thái của họ. Chúng ta cần nằm trong xu hướng này. Chúng tôi cũng phải hoàn thiện hệ sinh thái của mình để bước ra thế giới", ông Kỳ nhấn mạnh và giải thích rằng chưa vội đề cập đến Vietravel Airlines vì ngại "nói trước bước không qua”.

Một chuyên gia trong ngành hàng không nhận định, Vietravel nộp đơn lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế là đúng quy trình. Tuy nhiên, việc thành lập hãng hàng không sẽ không dễ như kinh doanh theo kiểu charter (một chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách)trước đây. Ngoài thỏa mãn điều kiện về vốn đầu tư, nhân sự, đội bay, hậu cần thì công ty này còn phải đáp ứng các yêu cầu khác của Cục Hàng không.

Vẫn theo ông Kỳ, với quy mô dân số gần 100 triệu dân và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm và đạt mức 15,5 triệu lượt khách, Việt Nam chỉ có 5 hãng hàng không là còn ít (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air,Bamboo Airwaysvà Vasco). Vì vậy, vẫn còn tiềm năng cho thị trường này.

Về thực trạng cơ sở hạ tầng hiện cảng hàng không Quốc tế Phú Bài có công suất 1,5 triệu hành khách/năm và nâng lên 5 triệu sau năm 2020. Dự định mở hãng hàng không Vietravel Airlines được kỳ vọng sẽ giúp bớt áp lực cho Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đang sắp bị quá tải.

Tác động lớn đến du lịch nếu thành hiện thực

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Vietravel có những bước đi kinh doanh liên quan tới hàng không. Từ 4-5 năm trở lại đây, công ty này đã hợp tác với các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến), với các tour du lịch bay thẳng từ Việt Nam đến đến Phuket, Chiang Mai (Thái Lan); Ninh Ba (Trung Quốc); Jeju (Hàn Quốc), Fukushima (Nhật Bản)...

Theo đó, thay vì mua vé máy bay bình thường, vài năm gần đây nhiều công ty đã thuê bao trọn chuyến bay. Cách làm này đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của du khách, “đánh trúng” tâm lý vừa muốn bay thẳng vừa lại tiết kiệm thời gian và chi phí vì vậy thuê bao chuyến bay - xu hướng mới lên ngôi.

Theo thông tin từ Vietravel, việc đi máy bay riêng nhưng giá lại rẻ hơn từ 20-35% so với tour thông thường. Lịch khởi hành theo đúng kế hoạch, hiếm khi hoãn hoặc hủy chuyến, giờ bay linh hoạt theo hướng có lợi nhất cho khách hàng. Thêm vào đó, công ty thuê máy bay có thể yêu cầu hãng cung cấp dịch vụ bay theo yêu cầu đến bất cứ sân bay nào mà hãng được phép khai thác.

Việc Vietravel liên kết mở đường bay trong vài năm gần đây được cho là bước thử nghiệm cho kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực vận chuyển. Tổng giám đốc Vietravel cũng từng gián tiếp xác nhận trong cuộc phỏng vấn cách đây 3 năm:“Trong du lịch có hai phần, phần “du” là các phương tiện vận chuyển, mà có chủ động được phần “du” thì mới có phần “lịch”. Song, thực tế hiện nay là các công ty du lịch đều bị động ở phần “du” nên Vietravel đặt mục tiêu tham gia”.

Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Huế từng chia sẻ, nếu Vietravel Airlines thực sự trở thành hãng hàng không mới trên bầu trời sẽ có tác động rất lớn đến du lịch, đặc biệt là với du lịch của Huế. Bởi lâu nay một trong những điểm nghẽn của du lịch tỉnh là số lượng đường bay ít, không có tính chủ động. Cụ thể, dù Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Jetstar đều có điểm đến là Huế nhưng một số khung giờ bay chưa phù hợp, lượng chuyến bị hạn chế. “Vào mùa cao điểm như hè, hay Tết, lượng khách đến Huế là rất đông, nếu không chủ động được, sẽ rất khó phát triển du lịch”, ông Minh nói.

Do vậy, dự định của ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận được nhiều sự ủng hộ. Vì du lịch và hàng không trong thời gian gần đây đã trở thành một cặp đôi gắn liền. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) ví von rằng, hai yếu tố này là hai cánh của một tàu bay, sự phát triển cuả ngành này mang đến sự phát triển cho ngành kia. Đặc biệt trong thời gian gần đây, chính sách đã mở cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn thị trường hàng không.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả